20 tháng 3 2011

Chuyện ấy có “lụt nghề” không?


Không kẻ mai một tất yếu của bệnh tật, tuổi tác, liệu tình dục có “lụt nghề” sau thời gian vắng bóng quá lâu hoặc “lịch công tác” thất thường không?
Câu trả lời là có, tuy không phải tất cả và tùy mức độ. Trước hết, tình dục cũng như mọi yếu tố sinh lý, khi trượt ra khỏi sự duy trì hằng định một thời gian dài, khi quay trở lại luôn gặp khó khăn. Một nhà toán học hoàn toàn có thể tính nhầm một bài toán chia nếu bỏ bê các con số quá lâu. Chăn gối buộc cơ thể huy động hầu hết nguồn lực từ: thần kinh, nội tiết, hô hấp, cơ bắp… Chính đòi hỏi số đông, tinh tế và phối hợp mà việc giữ cho cả ê-kíp vận hành ở mức tốt nhất không dễ và cách tốt nhất giữ cả đội luôn sẵn sàng ở vạch xuất phát là thường xuyên “thi đấu”.
Vấn đề là sự thiếu vắng nào có thể làm tình dục “lụt nghề”? Đầu bảng là sự xa cách không gian và thời gian. Những ông chồng xa nhà, xa vợ quá lâu rất dễ gặp khó khi quay trở lại “giường xưa”. Không phải ngăn trở bởi quãng đường hay ngày tháng, sự “chia quyên rẽ thúy” vẫn có thể xảy ra khi người ta nằm cạnh nhau hàng đêm, bởi một bất hòa hay áp lực nào đó. Thực tế có không ít đôi uyên ương nhìn ngoài có vẻ ấm êm nhưng thật ra chăn gối đã chết lâm sàng từ lâu. Kiểu “đồng sàng dị mộng” này còn nguy hại hơn nhiều sự chia ly vạn dặm.
Từ hiện tượng này, người ta cảnh báo các đôi uyên ương nên cẩn thận với con dao hai lưỡi khi áp dụng phương thức chủ động “ly thân tình dục” mong làm mới chăn gối. Quả là có nhiều đôi vợ chồng nhờ sau một thời gian dằn lòng “chay tịnh” mà khi tái hồi, chăn gối có được một bộ mặt hồng hào, nhưng ngược lại có lắm đôi vì thiếu cọ xát quá lâu, khi tái hồi lại… quên sạch chữ nghĩa. Căn cơ có lẽ là nghệ thuật chọn đúng thời gian “hưu binh”: sớm quá thì chưa tới, muộn quá thì “lụt nghề”.
 Các ông bị “lụt nghề” còn có thể do thiếu văn ôn võ luyện. Không phải ông nào sinh ra cũng “thông minh vốn sẵn tính trời” chuyện phòng the, nên muốn đôi bên cùng có lợi với vợ nhà, nhiều ông phải chịu khó bỏ công. Vấn đề không phải lúc nào các ông cũng đủ hảo ý cố gắng 200%, đạt “lao động tiên tiến” mà đôi khi vì lười, vì sức người có hạn hay thấy không cần thiết, lắm ông chỉ gắng đạt mức “hoàn thành nhiệm vụ” là đủ. Cái định mức trung bình kéo dài quá lâu có thể dẫn đến sự khó nói trên.
 
May mắn là đa số sự cố “gươm cùn” kiểu này chỉ tạm thời, với điều kiện sức khỏe chủ nhân bình thường và không có đột biến nào. Có nghĩa, sau một thời gian loay hoay, lúng túng, mọi việc lại được đưa trở lại guồng quay. Một giáo sư toán học có thể tính nhầm vì bỏ bê các con số quá lâu, nhưng không thể vì thế mà trở thành một cậu học trò quên… bảng cửu chương. Tuy vậy, người ta khuyên các ông không nên chủ quan, sẽ không hay nếu cùng lúc với nguy cơ “hoãn binh” có thêm những “ổ gà” khác vun vào. Một ông chồng mắc bệnh đái tháo đường cộng với thời gian công tác xa nhà quá lâu, hoàn toàn có thể khiến ông mất sạch vốn liếng.
 Sau cùng cần nhắc một trớ trêu có liên quan. Nhiều ông chồng xa nhà, lúc chuẩn bị hồi gia, cẩn thận “kiểm tra” lại “kiếm cung” thấy vẫn ổn nhưng khi chính thức tay bắt mặt mừng với người xưa thì mọi việc lại không diễn ra như mong muốn. Nguyên nhân được cho là sự “quen thuộc” có thể vô tình đứng về phe sự xa mặt cách lòng. Tốt nhất nên cẩn thận nếu lúc nào đó bạn buộc phải vắng mặt trên giường trong một thời gian dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét