02 tháng 3 2011

Những “que tăm” trước gió


Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TT -. - Nếu ai đánh vào người em, người đó sẽ đau (thay vì em đau) vì đụng toàn... xương. Em gầy quá. Lúc nhỏ mọi người “hứa” dậy thì em hết gầy, bây giờ dậy thì lại bảo vào đại học mới “may ra”. Chẳng lẽ là gầy “mãn tính”? (THỤC TRÂM - Huỳnh Văn Bánh, TP.HCM)
Nếu nghĩ có thể giải quyết gầy ốm bằng cách đảo ngược mọi vấn đề của béo phì e không thỏa đáng. Gầy ốm có thể từ những lý do dễ tìm như di truyền từ bố mẹ, lao lực, có bệnh, đầy... một bụng sán lãi trong người... Còn lại các trường hợp khác có thể rơi vào các nguyên nhân sau:
- Vùng dưới đồi ở não (hypothalamus), nơi chỉ huy cảm giác thèm ăn, có vấn đề về thụ thể khiến nó đáp ứng tồi với tín hiệu cầu cứu đói được cơ thể gửi lên, sự “quan liêu” này luôn đặt cơ thể vào cảm giác chẳng thiết ăn uống.
- Một số bạn cơ thể có khuynh hướng chuyển phần lớn năng lượng thành nhiệt, mồ hôi, hoạt động cơ bắp... chứ không chuộng việc dự trữ “tích cốc phòng cơ”, nên những bạn này dù ăn uống chẳng thua kém ai song vẫn khó mỡ màng da thịt được. Tình trạng trên càng rõ rệt ở những bạn mắc bệnh cường giáp (Basedow).
- Biếng ăn tâm thần thường rơi vào các cô gái trẻ... sợ mập! Ám ảnh này có khi mãnh liệt đến độ ăn bao nhiêu lại nôn ra bấy nhiêu. Một số khác bị stress hành hạ làm vạ lây bữa ăn, biến chúng thành nhạt thếch, hay có khi đơn giản chỉ vì không có thời gian nấu nướng, vì món ăn lặp đi lặp lại... nên bữa ăn hầu như chỉ còn có nghĩa “ăn để mà sống”.
Thục Trâm thân mến, em thấy đấy, chỉ có vài lý do là đành chịu, còn lại các “que tăm” như em hoàn toàn có thể cải thiện lại vóc dáng “mỏng cơm” của mình nếu thật sự quyết tâm. Hãy tự vào bếp thường xuyên hơn để chế biến món ăn yêu thích hay “hợp tác” chặt chẽ với bố mẹ, anh chị để giúp mình. Nếu em chịu khó ăn không chỉ bằng miệng mà cả bằng mắt, bằng tai, bằng mũi thì món ăn chắc sẽ thú vị hơn nhiều (nhai rôm rốp một chú cá chiên giòn là một cách ăn... bằng tai!).
Thực đơn nên chú ý những chất sinh nhiều năng lượng như chất béo (1 gam chất béo cho 9,1kcal, cao gấp hai lần chất đạm và bột đường). Những món ăn giàu béo tìm thấy ở dầu mỡ, thịt mỡ, bơ, phó mát, chocolate... Kế tiếp là chất bột, đường và đạm (thịt, cá, đậu nành, sữa, trứng...) tuy cho ít năng lượng hơn nhưng dễ chuyển thành dạng dự trữ. Nói chung em cứ ăn tất cả những gì mình thích, “năng nhặt chặt bị”, đừng chăm chăm vào những thứ được cho là năng lượng cao để rồi nuốt không vô lại bỏ đũa đứng dậy.
Ngoài ra em còn có thể dùng thêm các thuốc kích thích thèm ăn như 3B (vitamin B1, B6, B12), Lisine, các loại thuốc chống dị ứng (kháng thụ thể H1) cũng kèm theo tác dụng kích thích thèm ăn... Tất cả đều có bán ở các nhà thuốc, nhưng lưu ý chúng cũng có những chống chỉ định nên cần xem kỹ hướng dẫn cách dùng và đương nhiên em không thể dùng chúng “ăn” thay mình suốt đời được.
Sau cùng, nên cẩn thận với những loại thuốc chữa gầy không rõ nguồn gốc vì đa số chúng có chứa corticoid giúp em “đầy đặn” chớp nhoáng nhưng đó là do tác dụng giữ nước lại trong cơ thể, có nghĩa em đang... mập nước (phù) chứ hoàn toàn không có chuyện uống vài ba viên thuốc là đã tăng cân, dùng quá thường xuyên còn gây loãng xương tai hại.
Nếu xui xẻo em còn có thể bị bán cho... nội tiết tố nam (testosteron) như Durabolin có tác dụng phát triển cơ bắp, thúc đẩy tổng hợp protein giúp tăng cân. Thật tai họa nếu người dùng là... con gái (gây hiện tượng nam hóa: cơ bắp, rậm lông, đổi giọng, vô sinh), con trai có thể bị ảnh hưởng đến vấn đề sinh dục hay ngưng phát triển chiều cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét