17 tháng 9 2010

Đừng chơi “đoán chữ”” với bác sĩ!


TTC - Điều tiếng “chữ bác sĩ” không phải bây giờ mới có. Trừ những trường hợp cố tình “mã hóa” buộc bệnh nhân phải mua thuốc... “đúng tuyến”, còn lại chữ các bác sĩ xấu thường do vội, do quen tay, hay đơn giản hồi đi học bác sĩ ít được điểm cao môn tập viết...


Không khó đoán hậu quả từ toa thuốc viết tháu. Nhẹ là sau một hồi chơi đoán chữ, người ta cũng hiểu bác sĩ thử thách bệnh nhân và nhà thuốc cái gì. Nặng là khi màn đấu trí kết thúc bằng nạn “Râu ông này cắm cằm bà nọ”. Báo chí từng nêu vài điển hình “viết một đằng hiểu một nẻo”. Chẳng hạn, bác sĩ kê toaAnacin-3 (biệt dược của Paracetamol, hạ sốt, giảm đau) với nét chữ “rồng bay phụng múa” nên bị nhân viên nhà thuốc đọc bớt đi thành Anacin (biệt dược của Aspirin, nguy hiểm với người đau dạ dày, sốt xuất huyết). 

Viết tắt trên toa thuốc cũng là nguyên cớ lắm sự dở khóc dở cười. Mục chẩn đoán bệnh thường được các bác sĩ viết tắt nhất, trong khi đây là cái “tít tựa” mà mọi bệnh nhân đều chú mục nhìn vào đầu tiên để biết danh tính bệnh tật của mình. Đôi vợ chồng trẻ đưa đứa con sốt cao đến bệnh viện khám. Vị bác sĩ miệng hỏi, tay múa ống nghe một hồi, lấy ra tờ giấy xét nghiệm, hí hoáy rồi đưa cho bà mẹ bảo đi thử máu.
Nhìn vào phần y lệnh, bà mẹ trẻ hoảng kinh thấy bác sĩ ghi “CTM” (công thức máu) lại diễn giải thành“chân tay miệng”, căn bệnh nguy hiểm đang thành dịch. Mất mấy giờ mặt ủ mày chau chờ đợi, cầm giấy trả kết quả quay lại cho vị bác sĩ, chị mới vỡ lẽ đó chỉ là xét nghiệm máu thông thường.

Còn nhiều mẻ sợ tương tự khi bệnh nhân hay thân nhân trở thành nạn nhân màn “đố chữ” của bác sĩ, có khi thành “giai thoại”. Chẳng hạn STC (sa tử cung) thành (suy thận cấp) hay (suy thai cấp), VTQ (viêm thanh quản) thành (viêm thực quản), KG (khớp gối) thành (K gan - tức ung thư gan), PM (phần mềm) thành (phúc mạc), Td (theo dõi) thành (tràn dịch)...

Một kiểu nhầm lẫn khác phát sinh từ lời dặn dò của bác sĩ, tuy không bút sa gà chết, vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì bị bệnh nhân thỉnh giáo được chăng hay chớ rồi tự phóng tác. Chẳng hạn, với loại thuốc cần dùng xa bữa ăn để tránh tác động của dịch vị dạ dày, tùy “văn phong” sẽ được bác sĩ dặn : Uống tránh bữa ăn, uống trước bữa ăn, uống lúc bụng đói. Ngặt nỗi không phải ai cũng giỏi văn phạm, nên từng xảy ra tình huống bác sị dặn “uống trước bữa ăn” lại bị người bệnh hiểu là “uống thuốc xong thì mời cầm đũa”.

Dù có nhiều biện pháp can thiệp như dùng “toa điện tử”, “đề nghị bác sĩ chịu khó luyện chữ” hoặc ít ra...“viết toa chậm lại”, nhưng  nạn “chữ bác sĩ ” vẫn khá phổ biến. Vậy nên bệnh nhân cũng cần có chút “công lực” để “phòng thân”: Nếu không đoán ra chữ “rồng bay phụng múa” của bác sĩ, thì tốt nhất nên gắng quay lại hỏi “tác giả” cho ra nhẽ, hoặc ít ra hỏi một đồng nghiệp của ông ta, cùng chuyên môn càng tốt. Đừng phó thác sinh mạng vào tài đoán chữ của mình, hay của người bán thuốc. Không phải ai mặc áoblouse, ngồi sau quầy thuốc đều là dược sĩ, mà có là dược sĩ cũng không chắc đọc nổi những toa thuốc “ai viết người ấy hiểu”.

08 tháng 9 2010

Ăn nhiều vẫn ốm, ăn ít vẫn mập



Nghe cắc cớ, nhưng rất nhiều người gặp cảnh tréo ngoe này. Nguyên cớ nhiều, nhưng chung quy cũng từ bài toán thu chi năng lượng mà ra.

“Hãy nói cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ nói bạn có béo hay không”. Hơi ngoa ngôn nhưng rõ ràng trên bàn ăn của chúng ta luôn tồn tại hai nhóm thực phẩm có vai vế khác nhau về năng lượng. Vấn đề là bạn chọn bên nào. Cụ thể, nhóm bột, đường, đạm cho 4 kcal/g, trong khi nhóm chất béo (dầu, mỡ) lại cống hiến đến 9 kcal/g.

Do vậy, không lạ dù ăn chẳng nhiều nhưng nếu bạn “tả khuynh” thuận dầu, mỡ hơn thì khả năng phát phì sẽ nhanh hơn nhóm “hữu khuynh” - chỉ chọn cơm với thịt. Một so sánh sát sườn có thể giúp bạn hình dung lợi hại của việc chọn lập trường: một chén cơm điểm xuyết vài lát thịt cho chừng 300 kcal trong khi một tô phở thơm ngon, béo ngậy lại cung cấp gần 500 kcal.

Béo dễ gây ngán. Do đó, tự thân dầu, mỡ có sở đoản ngăn ta tiêu thụ chúng thái quá. Ngặt nỗi, dầu mỡ là “át chủ bài” của khá nhiều món ăn ngon. Không có màn phi tỏi hành thơm nứt mũi thì mấy món chiên xào giống như một quý cô vô hương sắc.

Để có món ngon nhưng cần giấu nhẹm dấu vết dầu mỡ, các đầu bếp thường có lắm chiêu khiến đa phần thực khách mắc mưu bị “vỗ béo” mà không hay. Những ai thường dùng bữa ở nhà hàng, quán xá, nhất là quán ăn Tàu, thường phát tướng nhanh không kịp trở tay là vì thế.

Tự nhiên luôn có xu hướng khuyến khích mọi sinh vật, kể cả con người - béo lên một chút. Đơn giản, béo là kết quả của tích trữ năng lượng, nếu cần mang ra dùng khi đói kém. Con người không phải lo phòng thân đến vậy mà đa phần người ta béo vì nhập nhiều mà xuất ít, thậm chí hầu như không xuất.

Cho đến nay, cách chi xuất năng lượng khả thi và an toàn nhất là qua vận động. Không kể ăn nhiều hay ít, nếu lười hoặc đặc thù nghề nghiệp buộc bạn ít động tay động chân thì xem như bạn thuộc dạng tiềm năng béo lên lúc nào không biết.

Thêm một phép so sánh cụ thể: Một tô phở cho bạn khoảng 500 kcal, trong khi một séc quần vợt trung bình ngốn của bạn khoảng 800 kcal. Điều này đồng nghĩa, dù tinh thần ăn uống khiêm tốn nhưng nếu bạn ít vận động thì nguy cơ phát phì vẫn thập thò đợi bạn.

Bảo vận động chống béo phì thì trẻ con cũng biết. Vấn đề là biết nhưng nhiều người vẫn không tài nào tìm được cơ hội triển khai chiến lược đốt năng lượng thừa. Cụ thể, không có thời gian và kiên nhẫn. Tuy vậy, thực người không có duyên với vận động, thể dục, thể thao, không có có hội thật sự thì ít mà vô tình bỏ qua chúng thì nhiều.

Đơn giản, vận động với mục đích đốt năng lượng thừa thì không cần quá cầu kỳ, sang cả. Áo thun ba lỗ, quần đùi với vài chục vòng chạy bộ trên sân thượng vẫn có hiệu quả tương đương với một séc quần vợt. Một cái tiện nữa là vận động chống béo có thể cộng dồn.

Chẳng hạn, nếu bạn đặt chỉ tiêu 60 phút vận động mỗi ngày, thì bạn có thể làm việc đó 15 phút ở cơ quan và 45 phút vào buổi tối, khi về nhà. Ngoài ra, những người thon thả nhờ vận động thường biết cách “ứng vạn biến”.

Họ có thể sáng tạo ra mọi cách để động tay động tay, chẳng hạn gửi xe cách siêu thị vài trăm mét để tận dụng khoảng thời gian cuốc đi và về, hay giấu biệt chiếc remote TV để khi cần chuyển kênh phải đích thân nhoài người, bước tới TV.

Bạn có thể mường tượng khi đi bộ chừng 10.000 bước, bạn đốt được chừng 200 kcal nhưng nếu nặng nhọc hơn bằng việc lên xuống cầu thang trong 1 giờ, bạn tống được 400 kcal...

Tuy vậy, có một lý do căn cơ hơn, giúp người dễ “giàu xổi” về trọng lượng, đó là cơ thể họ may mắn sở hữu công suất chuyển hóa năng lượng cao. Cụ thể, để có được 4 kcal từ 1 gam chất bột, cơ thể phải chi dùng năng lượng để xử lý, giống như máy phát điện cần ít xăng chạy máy.




Một số người làm việc này với mức chi phí thấp nhất. Nói dễ hiểu, cơ thể họ làm ăn hiệu quả nên nhanh khấm khá hơn người khác. Tương tự, nhiều người “ăn chơi mập thật” có hệ tiêu hóa, nội tiết, lưu trữ “hàng xịn” nên lợi tức thu được trên một đơn vị đồng vốn ở mức cao. Thực tế, không khó nhận ra những người biết cách sinh lãi trời sinh này bởi họ ăn uống không nhiều, có khi rất đạm bạc nhưng vẫn béo lên một cách... không cưỡng lại được.


Ăn ít mà chóng béo còn do cách người ta chọn thời điểm ăn. Cụ thể, xét sinh lý thì tầm 9 giờ tối trở đi, cơ thể xem như dừng việc lui về chế độ nghỉ ngơi nên mọi cuộc thu nạp năng lượng sau giờ tan ca này sẽ được cơ thể chuyển hướng sang dự trữ.


Những quý bà, quý cô hay ăn đêm thường nhận ra ngay “hậu quả” nhãn tiền sáng hôm sau khi soi gương. Người ta cũng nhận thấy nhiều người dễ mập lên vào kỳ nghỉ phép, lễ, Tết kéo dài bởi tâm lý xả hơi, thư giãn chẳng những quyến rũ chủ nhân mà cơ thể của họ cũng thích nghi với kỳ nghỉ qua hiện tượng tăng chuyển hóa.


Sau cùng, việc ai đó dễ có da có thịt hơn thiên hạ có khi nhờ vào những động lực không ngờ tới. Chẳng hạn, người ta nhận thấy người bị stress bỗng trở nên nhiệt tình ăn uống và năng suất thu lợi calo cũng tăng lên tương ứng.


Lý do là sự căng thẳng, lo lắng vô tình tạo tâm lý đối phó, buộc cơ thể tăng cường thu nạp năng lượng để ứng biến. Trớ trêu, nhiều quý bà, quý cô sau một thời gian “tiết thực” chống béo thất bại, khi buông súng, lại biến cơ thể thành cỗ máy ngốn năng lượng như chưa bao giờ được ăn để bù lại những ngày... thiếu đói.


Ở một cực khác, lại có những người “chết trên đống vàng”, nghĩa là ăn nhiều, ăn nhiệt tình, nhưng sức nặng vẫn chẳng thăng tiến được bao nhiêu. Nguyên cớ không khó đoán, cứ lật ngược vấn đề của nhóm “làm chơi ăn thật” trên thì rõ.


Chẳng hạn, nhiều người ăn nhiều nhưng về chất, thực đơn của họ khá đạm bạc, đặc biệt nghèo nàn những thực phẩm sinh lợi năng lượng cao. Chẳng hạn, không ít phụ nữ có ác cảm nặng với dầu, mỡ. Vừa nhác ngửi thấy mùi béo, ngậy là họ sẵn lòng bỏ đũa đứng dậy hoặc tệ hơn là buồn nôn hoặc nôn thốc nôn tháo nếu lỡ gắp một miếng cho vào miệng.


Nhiều người “nghèo” có số đơn giản vì kết quả bài toán thu chi năng lượng của họ luôn ở mức âm, nghĩa là thu vào nhiều nhưng tiêu xài lại “ném tiền qua cửa sổ” có phần hơn. Họ có thể là những người lao động chân tay nặng hoặc không nặng nhưng lặp đi lặp lại, chẳng hạn công nhân đứng dây chuyền sản xuất. Sự căng thẳng, tập trung thái quá do nghề nghiệp như tài xế, thầy thuốc, cũng âm thầm ngốn năng lượng ở mức cao dù thoạt trông họ có vẻ nhàn hạ.


Người gầy dù dốc hết cao lương mỹ vị vẫn gầy, có thể do tạng người bẩm sinh không thể mưu sự tại nhân được. Một kết quả “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” dễ hiểu. Tuy vậy, nguyên cớ rõ nhất khiến không ít nạn nhân cố mãi vẫn không đổi màu vóc dáng được là vì nội lực kém.


Trước hết, hiệu năng chuyển hóa năng lượng của cơ thể họ không tốt, thậm chí... lỗ vốn. Chẳng hạn, để tiêu thụ 4 kcal chất bột, có thể họ phải dùng đến 3, thậm chí lớn hơn 4 kcal. Rốt cuộc, hoàn vốn hay thâm vào vốn là hiển nhiên.


Gầy còn do đương sự không biết cách dùng bữa. Chẳng hạn, nhiều người gầy cố ăn thật nhiều nhưng lại chia nhỏ bữa ăn vì ngán hay không có thời gian. Việc phân nhỏ thực đơn này dễ khiến cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa rơi vài mệt mỏi, chưa kể năng lượng tiêu hao lắt nhắt cũng nhiều hơn.


Một cách dễ hình dung là thay vì tập trung một đống đồ ủi một lần, đương sự lại thực hiện việc này ngắt quãng mỗi lần vài bộ, khiến lượng điện tiêu hao làm nóng bàn ủi nhiều lần tăng lên tương ứng. Ăn nhiều mà không thu được bao nhiêu, có thể còn do đương sự chọn thời điểm dùng bữa không tối ưu cho việc tích lũy. Như đã nói, ăn đêm là kế hay, buộc cơ thể chuyển năng lượng vào két sắt.


Ngoài ra, công suất sinh lợi kém còn vì chủ nhân sở hữu một động cơ kém chất lượng. Chẳng hạn, người có một chiếc dạ dày bé bẩm sinh hay bộ ruột non (nơi hấp thụ dinh dưỡng) có chiều dài ngắn, khiến nguồn thu vượt qua dây chuyền hấp thụ mà dưỡng chất vẫn chưa được tận thu hết.


Rõ hơn, người gầy thường có bệnh, đặc biệt bệnh liên quan đến tiêu hóa, nội tiết... Chẳng hạn, bệnh tiểu đường tiềm ẩn có thể không phát tán rầm rộ ngay mà âm thầm rút tỉa trọng lượng nạn nhân dần dần qua sự kém hiệu quả trong việc đưa đường đến các tế bào tiêu thụ. Trông thấy ngay là những chứng bệnh buộc cơ thể tăng mức tiêu thụ năng lượng qua nhiệt lượng, rung cơ như Basedow (bướu giáp độc), Parkinson (liệt rung)...


Người ta khó có da có thịt còn vì tâm lý, thường dính đến nghề nghiệp. Không cần là chuyên gia, ai cũng có thể nhận ra khi lo lắng, căng thẳng thì miếng đưa lên miệng thường nhạt thếch.


Rất khó để ai đó phương phi nếu họ luôn chìm vào những lo toan, căng thẳng ngày này sang ngày khác. Căng thẳng không chỉ khởi đầu mà còn là nút thắt khởi đầu xiết chặt của sợi dây thòng lọng làm sút giảm hiệu năng chuyển hóa. Đã không ngon miệng mà còn thất thu thì khó mong có tin vui từ chiếc bàn cân.


Lo lắng còn khiến người ta mất ngủ. Ngủ là khoảng thời gian vàng tích lũy của cơ thể, ban ngày dành cho hoạt động, còn ban đêm là thời điểm gầy dựng. Những ai bất hòa với thần mộng thì cơ hội phình ra rất mong manh.
Cũng liên quan đến tâm lý, ngườit ta gầy còn vì... sợ béo. Cắc cớ ở chỗ ý chí muốn phì ra hơn nhưng trong sâu thẳm cơ thể lại sợ béo một phép. Nạn nhân của nạn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này không khó đoán là các bà, các cô, nhất là các thiếu nữ. Chẳng hạn, một cô gái suốt thời thiếu nữ bị “khủng bố” với hàng loạt cái gương tày đình xấu xí, thất bại của người béo, riết thành ám thị, khi đến tuổi trưởng thành rất muốn cải tạo dóc váng quá phẳng phiu của mình bằng cách ăn thật nhiều.


Nhưng khốn nỗi, cái tôi bên trong của cô lại âm thầm cưỡng lại ý đồ đó qua việc làm chậm lại tiến trình hấp thu. Kẻ làm, người phá nên thất bại là đương nhiên.
Bảng thu, chi năng lượng của một số thực phẩm và vận động thông dụng. Không phải quá nhiêu khê, chi li, chỉ cần áng chừng mức thu vào và chi ra sao cho cuối ngày bài toán trừ năng lượng của bạn “hòa vốn” hoặc “âm vốn” nếu muốn giảm cân và ngược lại nếu muốn tăng cân.


Dù thế nào cũng không nên quên duy trì nhu cầu tối thiểu của cơ thể, với một người có hoạt động trung bình cần khoảng 2.000 kcal/ngày, và tất nhiên cần duy trì cả nhu cầu cũng như tỷ lệ các chất thiết yếu. Bám thật sát “bài toàn trừ” then chốt này, ta có một con số “tỷ giá” đơn giản: giảm 500 kcal/ngày, bạn sẽ bốc được 2kg mỡ/tháng khỏi vòng eo của mình.

“Vụ án”... chùm vải


TT - *Mùa vải lại đến! Em vốn là một “fan” cuồng nhiệt của vải mà, nhưng ăn nhiều quá có sao không bác sĩ? (nhuycattuong@…)

- Vải (lệ chi) luôn là một trong những loại quả “đinh”mùa hè ở nước ta xưa nay. Quả vải nhiều nạc, nhiều dưỡng chất, đặc biệt hàm lượng đường (glucoz, fructoz...) chiếm hơn 60%. Tài lắm, tật cũng từ đây mà ra. 
Thật ra quả vải không độc mà “thằng bán tơ” mới là kẻ giở giói, đó là một loại nấm ký sinh Candida tropicalis hay xuất hiện ở quả vải chín nẫu, úng, giập. Triệu chứng ngộ độc (nếu có) gồm bốc hỏa, nổi mẩn, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, có khi ớn lạnh, sốt rất cao... 

Thực tế những tai ương trên đều có thể xảy ra ở mọi loại quả hư úng khác nhưng chính độ ngọt cao + độ pH thích hợp khiến quả vải hay trở thành “cứ điểm” của loại nấm nguy hiểm này (phần núm quả sẽ là “động bàng tơ” mà chúng chọn). Ngoài ra lượng đường cao trong vải nếu dùng quá nhiều một lúc có thể làm “vỡ trận” chuyển hóa của men gan gây chóng mặt, buồn nôn, thậm chí hôn mê, trẻ con thường là nạn nhân vì men gan còn non nớt.

Nếu thấy xuất hiện những bất thường trên mà trước đó có nhắm vài quả vải thì nhiều khả năng đã xảy ra một vụ... “lệ chi viên”. Nhẹ có thể tự giải độc tại nhà bằng cách uống nhiều nước, nhai vài lát gừng hoặc dùng gạo rang hòa ít muối, đường hay dùng chính vỏ vải sắc nước uống. Nặng phải đưa đến bệnh viện.

Nhuycattuong@... thân mến, miễn là em đừng chạm đến những kẻ hư, giập, loại bỏ phần núm quả; đồng thời tránh tiêu thụ theo kiểu “nhịn cả năm dồn lại một giờ” cho bõ cơn thèm thì cứ yên tâm làm nàng “Dương Quý Phi” thưởng thức món lệ chi ngọt ngào của chàng “An Lộc Sơn” nào đó. Chúc em hưởng thụ một mùa vải như ý cát tường!

Lơ mơ cơ thể mình.

Với những cô gái tuổi dậy thì thì những biến động về hình thể, trong đó có sự xuất hiện của vài “kẻ lạ”, không chỉ gây lạ lẫm mà nhiều khi vì chưa hiểu mình có gì, lại gây ra lắm rắc rối, thậm chí chuốc họa.

Chứng mất ngủ trước tiên của các cô gái dành cho “nhân nhân” của những “nhân tố mới”. Chẳng hạn, không ít cô vừa xấu hổ vừa lấy làm lạ không hiểu sự hiện diện của “vùng tối” đột nhiên mọc lên phía trên chỗ kín của mình để làm gì? Và tất nhiên kéo theo đó là loạt thắc mắc “tồn tại hay không tồn tại” trong việc xử trí. Rõ ràng nếu vị trí xuất hiện của chúng dời sang một nơi khác ít nhạy cảm hơn trên cơ thể thì sự lo lắng của các cô không đến độ… trằn trọc!
Hậu quả không hiểu mình còn có thể đáng sợ hơn. Thực tế, rất nhiều cô gái trẻ sớm làm quen với tật “tự biên tự diễn” là từ cơ duyên những lần tò mò thám thính cơ thể, nhất là những vùng trọng yếu, rồi tình cờ phát hiện những “phản hồi” gợi mở. Nhiều cô gái khác tự đánh mất “cái ngàn vàng” oan uổng cũng từ những cuộc khám phá quá tay. Dễ hiểu với một cô gái chưa hiểu trinh tiết được “cụ thể hóa” bằng cái gì, nó nằm ở đâu và khoảng cách an toàn dành cho nó là bao nhiêu… thì khó tránh chính người bảo vệ lại xâm hại cái đáng lẽ phải nâng niu. Nhiều cô thậm chí sau một thời gian dài hoặc khi thực sự “cần” mới tá hỏa nhận ra sự tai hại của thời “vô tư không biết gì”.

Hơn thế, sự thiếu thông hiểu cơ thể mình còn dẫn không ít “bà chủ” đến chỗ hối không kịp. Rất nhiều cô gái trẻ sau “ăn cơm trước kẻng” thường có kiểu thanh minh kinh điển đổ cho sự “thiếu kiềm chế”. Tất nhiên còn phải kiểm chứng trong sự thiếu kiềm chế đó bao nhiêu là thật, nhưng trong số những kẻ xách động chắc chắn không thể bỏ qua vài “nút bấm” nhạy cảm trên cơ thể các cô. Với một anh chàng có chút kinh nghiệm thì việc đầu tư vào chúng luôn hứa hẹn “loạt pháo dọn đường” đầy hiệu quả, trong khi nhiều nạn nhân khi nhận ra trên người mình có những “quả bom nổ chậm” như thế thì mọi sự đã rồi!

Sau “thiếu kiềm chế” không khó đoán là túi lo về màng trinh và tiếp ngay sau là chuyện bầu bì . Với một cô gái lơ mơ chính “lãnh thổ” của mình thì càng khó có cơ hội biết một sinh linh được gửi vào cơ thể mình như thế nào, kèm theo là cách nhận ra và xử trí. Đến giờ vẫn còn nhiều cô gái tin rằng, sau “ăn nằm” chỉ cần chạy đua thời gian đến WC để tống tiễn hết rắc rối qua đường tiết niệu với lý giải đơn giản “cái vào bằng cửa nào thì tống chúng ra bằng cửa ấy”!

Trên đây chỉ là một số tai nạn phổ biến từ việc không rõ cơ thể mình của các cô gái mới lớn. Sẽ còn không ít cô gái tiếp tục mắc nạn “mù thông tin” mà đáng lẽ dễ dàng tránh được nếu có được sự trợ giúp từ “giới hữu quan” như: cha mẹ, thầy cô, sách báo và có thể một chương trình “giáo dục giới tính” không quá khó tính.

Chạy trời khỏi nắng

Thử xem, những điều bạn biết có giống phần trả lời của bác sĩ Đỗ Minh Tuấn không nhé.
Nóng trong người uống nước ngọt có…hạ hỏa?
- Giải khát thông thường gồm 2 vế: đã khát và bù nước. Chúng ta thường chăm sóc vế thứ nhất mà bỏ qua vế thứ hai. Nước ngọt (bao giờ cũng kèm đá, không ai uống nước ngọt “chay”) chủ yếu giải quyết khâu đã chứ không giải quyết được yếu tố bù nước và muối khoáng. Chưa nói vì là… nước ngọt nên uống vào một lát thì khát lại, phải đi tìm nước “tráng miệng”, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Nóng quá ngày em tắm 6 lần có sao không?
- Không có vấn đề gì về khoản giải nhiệt nhưng thất lợi ở chỗ làm trôi mất chất nhờn có ích trên da. Hành động này giống như bạn lột trần làn da, biến nó thành “mồi ngon” của các mầm bệnh ngoài da, nấm, nhọt, mẩn và ngứa các loại. Tất nhiên tắm chỉ là phương pháp chống nóng “phần ngọn” vì cơ bản là phải uống bù nước đã mất qua mồ hôi, chứ không phải tuôn nước xối xả trên da rồi cái nóng trôi tuột mất tiêu được.
Xài mĩ phẩm mùa nóng có tốt không ạ?
- Thật ra mĩ phẩm “đặc dụng” cho mùa nóng chỉ là kem chống nắng hoặc loại mĩ phẩm có thêm chất chống nắng. Các loại mĩ phẩm trên đều có thể dùng, chỉ cần chú ý tái “trang bị” thường xuyên bởi trời nóng, mồ hôi nhiều, làm trôi “son phấn” rất nhanh. Chung quy, chấtlàm đẹp da mùa nóng hiệu nghiệm nhất là nước. Thiếu nước làn da teo tóp, nhăn nhúm, không có loại mĩ phẩm “thần dược” nào kéo căng lại được.
Mùa nắng em bơi bao lâu thì đủ?
- Câu trả lời gần giống thời lượng tắm. Nhưng chú ý thời gian phơi nắng nếu tắm ở hồ bơi ngoài trời hay sông suối. Nhiều bạn có suy nghĩ thiếu logic rằng hễ ngâm mình dưới nước thì không lo nắng hại. Tuy vậy dù thế nào cũng cần có giới hạn, ngâm mình dưới nước quá lâu, dù trên đầu nóng như đổ lửa, vẫn có thể bị… hạ thân nhiệt. Ngay khi đợt… rùng mình vì lạnh đến, bạn nên lên bờ ngay.
Trời nóng, ra đường em có nên trùm kín mít?
- Đây cũng là một sai lầm khác của nhiều bạn trẻ, chỉ chăm bảo vệ làn dabảo vệ cái đẹp mà nỡ lòng “nung nóng” cả cơ thể. Che chắn nắng là cần thiết, nhưng chỉ cần vừa đủ, còn lại nên chừa chỗ cho không khí len vào làm mát cơ thể.
Máy lạnh là cứu cánh tuyệt vời mùa nóng?
- Bất kể thời tiết nóng hay lạnh thì bầu không khí kín mít trong các phòng máy lạnh từ lâu đã phơi bày những vấn đề rắc rối của nó. Không gì sảng khoái hơn khi trốn nóng trong căn phòng máy lạnh chạy rì rì, nhìn đám đông nhăn nhón khổ sở bên ngoài qua lớp cửa kính. Nhưng… “cuộc vui nào cũng phải tàn”, rồi phải đến lúc bạn bước ra khỏi “thiên đường” và trở lại với cái nóng hầm hập bên ngoài, lúc ấy sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột sẽ cho sức khỏe của bạn biết đá biết vàng, xem ra còn tệ hơn là trui rèn sự chịu đựng trong cái nóng cháy da.
Nóng quá có khi nào “chết người” không bác sĩ ?
- Hoàn toàn có thể tử vong dước sức nóng thiêu đốt. Nạn nhân thường là trẻ nhỏ, người già, mấy ông bà Tây sống ở vùng ôn đới chưa có “miễn dịch” với mặt trời nhiệt đới, có khi là những cô gái trẻ mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, quanh năm quanh quẩn trong phòng. Đây là những đối tượng dễ bị “tai biến” do nắng nóng như say nắng, say nóng vì trung tâm điều hòa thân nhiệt của họ hoặc chưa trưởng thành, hoặc hoạt động không tốt. Tất nhiên đến mức phải “cắt hộ khẩu” hay không thì còn tùy mức độ phơi nóng và sự cấp cứu kịp thời của bác sĩ.

Con trai nhìn đời hồng hồng, đỏ đỏ



TT - Em là con trai nhưng lại thích màu hồng, màu đỏ... Mọi thứ của em đều toàn mấy màu đó... Vì thế, tụi bạn cười em là “bóng”...
Trung Nguyên (Long An)
Chúng ta cảm nhận màu sắc qua các tế bào hình nón của võng mạc. Màu sắc có mặt khắp nơi, trở thành biểu trưng, ngôn ngữ “quốc tế” từ đèn giao thông, chim hòa bình, “cơn lốc màu da cam” đến lính mũ nồi xanh... Màu sắc còn liên quan đến tính cách và cả giới tính. Màu hồng hiển thị sự lãng mạn, thơ ngây do vậy rất hiếm khi giới mày râu thích tông màu “nhi nữ thường tình” này. Tuy nhiên không nên vì thế mà suy diễn ngược lại: chàng nào khoái màu hồng tất có vấn đề giới tính, cùng phe “quần hồng”!
Người ta thích màu này thường ghét cay đắng một hay vài gam màu kia. Sự “mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập” này đa số vô hại nhưng có khi phiền toái. Chẳng hạn một người khoái màu nhu tự dưng thấy... khó ưa chàng nhân viên dưới quyền toàn chơi càvạt tông chim cò chói lóa. Độc tôn hay bài xích màu sắc còn bó hẹp sự sáng tạo, nhất là trong việc thiết kế, quảng cáo.
Trung Nguyên thân mến, rất có thể việc bạn bè trêu em thuộc “thế giới thứ 3” là do nhiều “dữ liệu” khác gộp lại chứ không hẳn chỉ mỗi sở thích “nhìn đời toàn màu hồng” đâu em!

"Ngữ pháp" của đôi mắt


TT - Em nghe nói muốn biết "người ta" thích mình thiệt hay không phải nhìn sâu vào mắt đối phương. Em thử rồi nhưng khó biết…kết quả quá.
Huy Thục (TP.HCM)
- Không dễ giải thích vì sao đôi mắt "biết nói" nhưng rõ ràng "kho từ vựng" của đôi mắt hoàn toàn có thể biểu đạt hầu hết cung bậc tình cảm. Thậm chí nhiều trường hợp "ngữ pháp" của đôi mắt còn đa nghĩa hơn đầu môi chót lưỡi nhiều.
Có ý kiến cho rằng đồng tử chính là "nhà hùng biện" của đôi mắt. Đồng tử có thể co giãn để điều tiết ánh sáng; nhưng với một số trạng thái tâm lý đặc biệt, chúng cũng có thể thay đổi khẩu độ tương ứng. Chẳng hạn đồng tử có thể giãn ra khi ta cảm thấy sợ hãi hay hưng phấn, thích thú đặc biệt (mắt trông đen láy hơn bình thường). Như vậy về lý hoàn toàn có thể "soi đáy mắt" đối phương để lượng giá hình bóng ta trong mắt ai đạt thang điểm hài lòng nào. Tất nhiên "tiếng lòng" đôi mắt sẽ dễ hiểu hơn nếu có thêm trợ giúp từ mi, mày hay chút lóng lánh nước hồ thu…
Huy Thục thân mến, không biết "làn thu ba" của người ấy đã cho kết quả em "lọt mắt xanh" chưa, nhưng nếu cần xác tín độ phải lòng đừng nhìn... chằm chằm  coi chừng tác dụng ngược. Chuyện trò với ai mà mắt cụp xuống  hay láo liên dễ bị cho không thật lòng; nhưng nhìn chòng chọc như thôi miên người ta xem ra lại bị xem là thiếu lịch sự em ạ!

Đầu ba xoáy


TT - Đầu em có ba xoáy nên nhiều bạn bè nói em là… "chúa lì”. Nhìn lại em thấy mình đâu đến nỗi cứng đầu?
(Thành Nghĩa - Vĩnh Long)
- Hầu hết chúng ta có một xoáy nhưng có người nhiều hơn. Có nhiều giải thích về xoáy. Chẳng hạn đó là cách tóc mọc rộng dần ra theo đà lớn dần của xương sọ. Người tin thông thiên thì bảo xoáy là cổng vào của năng lượng vũ trụ. Sát sườn hơn đó là cách phát huy tối đa tác dụng tản nhiệt da đầu của tóc...
Ai đó càng nhiều xoáy càng bướng chỉ là nói vui. Kỷ lục về xoáy đến nay là... bảy cái. Nếu cộng độ cứng đầu thì hẳn anh chàng này phải thuộc loại siêu quậy cỡ... Tề Thiên đại Thánh! Trai gái đều có xoáy, tìm trong số mấy cô "đi thưa về trình", "gọi dạ bảo vâng" dám có nàng vài ba xoáy không chừng. Chưa nói cứ hai ba trăm bé sinh ra lại có một bé chẳng có xoáy nào.
Ương bướng hay không là kết quả của tố chất, môi trường và giáo dục cộng lại rất phức tạp chứ đâu dễ dàng cứ vạch đầu đếm xoáy là ra kết luận, em ạ.

07 tháng 9 2010

Trái tim bé Nhân Ái đã ngừng đập


(Dân trí) - Tối qua (ngày 6/9), bé Nhân Ái đã trút hơi thở cuối cùng tại BV Nhi Đồng 2, chấm dứt chuỗi ngày đau khổ ở nhân gian. (Thông tin về việc tổ chức tang lễ cho bé được cập nhật liên tục ở cuối bài).
 >> 

Bé Nhân Ái đã không còn, nhưng ánh mắt này sẽ còn đọng lại mãi trong lòng bạn đọc Dân trí
Tròn 10 tháng (sinh 6/11/2009 - mất 6/9/2010) có mặt ở nhân gian, Nhân Ái đã chịu nhiều cay đắng, từ nỗi đau của đứa con bị bỏ rơi đến những đau đớn tột cùng do nhiều chứng bệnh gây ra.

10 tháng tuổi, nhưng con đã biết thế nào là khó thở, là tức ngực, là đau nhức vì các vết lở loét…

Con chưa được hưởng cái hạnh phúc của đứa trẻ biết lẫy, biết bò, biết bi bô…

An ủi thay, kể từ bài báo đầu tiên của Dân trí (ngày 19/7) đến nay,  hai tháng cuối đời, con được sống trong ngập tràn tình yêu thương.

10 tháng ngắn ngủi của một kiếp người, nhưng con đã đón nhận sự ấm áp của hàng ngàn trái tim “ngày đêm cầu xin cho con vượt qua căn bệnh hiểm nghèo”.

Chỉ cần dòng thông tin “con khỏe hơn” là dậy lên bao nhiêu hy vọng, hàng ngàn comment mừng vui gửi đến. Ngày nào sức khỏe con xấu đi, biết bao trái tim lại quặn thắt.

10 tháng thôi nhưng con đã gieo thật nhiều duyên lành. Nhiều quần áo, quà, sữa và sắp tới là hàng tỷ đồng của con sẽ được chia cho các bạn kém may mắn khác.

Con nằm đó, tuy bất động vì bệnh tật nhưng trái tim con vẫn khao khát yêu thương. Mỗi khi có người vào thăm, giọt nước mắt mừng vui vẫn tràn nơi khóe mắt con.

Con nằm đó, đơn giản chỉ cần tình yêu thương. Dù cha mẹ đối xử thế nào, con cũng không oán giận. Còn nhớ ngày cha ruột đến thăm, con bỗng giàn giụa nước mắt. Con khóc như chưa từng được khóc. Những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi…

Giờ, con nằm đó, thanh thản làm sao. Chính con đã kéo nhiều người lại gần nhau. Để ngẫm ra rằng, cuộc đời ngắn ngủi lắm. Ngày nào còn sống thì hãy hết lòng với nhau.

Thật khó khăn cho chúng tôi để viết nên những dòng tin buồn này. Bởi cũng như bạn đọc, chúng tôi luôn cầu mong cho bé có thể qua khỏi, cầu mong cho bé có thể hưởng được cái Tết Trung thu đầu tiên. Nhưng…

Dân trí xin chân thành cảm tạ tấm lòng của bạn đọc dành cho Nhân Ái của chúng ta.



Dân trí sẽ lo hậu sự cho bé Nhân Ái

Theo BS Vũ Hiệp Phát, Phó khoa hồi sức, “Bé Nhân Ái ngày càng suy kiệt. Tình trạng viêm ruột và nhiễm trùng toàn thân mỗi lúc một nặng thêm. Chúng tôi đã sử dụng tất cả những loại kháng sinh tốt nhất từ Mỹ chuyển về để phục vụ cho quá trình điều trị của bé.

Bác sĩ trong khoa đã làm hết sức mình để giành giật từng giây từng phút sự sống cho bé. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng, bé đã không thể vượt qua. Nhân Ái của chúng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 6/9.

PV Dân trí đã thông báo với gia đình bé Nhân Ái được biết tin.
Được sự đồng ý của Ban giám đốc bệnh viện, Báo Điện tử Dân trí sẽ đứng ra lo hậu sự cho bé.
Thông tin về việc tổ chức tang lễ cho bé Nhân Ái:
14h30 chiều nay (7/9), Báo Dân trí sẽ tổ chức khâm liệm cho bé Nhân Ái tại BV Nhi Đồng 2.
15h00 sẽ đưa bé đi hoả táng.
Sau khi hoả táng, tro cốt của bé sẽ được đưa về an nghỉ tại chùa Như Lai ở 229A đường Nguyễn Thái Sơn, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. HCM.

 

Hồng Tâm


Một ít nhân gian, con gửi lại 
Ánh nhìn sau cùng không có mẹ có cha
....
Thôi, con !
Bỏ kiếp này , sang kiếp khác
Sinh nhầm
Như một lần xé nháp 
Phải không con ?

 (Gửi hương hồn con NHÂN ÁI)


05 tháng 9 2010

Bộ hành trong mơ



TT - Em vừa gặp chuyện lạ: hai lần sáng thức dậy đều thấy mình... cởi hết quần áo hồi nào không biết. Bố mẹ nghi em bị mộng du nên thức canh nhưng không thấy gì. Em lo lắm, thưa bác sĩ cách nào biết mình bị bệnh ạ?
H.Hoàng (TP.HCM)
- Mộng du là tình trạng người bệnh vừa nhắm mắt vừa đi lại trong đêm. Nạn nhân rất dễ gây nguy hiểm cho mình, chẳng hạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ rồi “đi bộ” ra ngoài. Nguyên nhân vẫn chưa có câu trả lời đích xác, nhưng hầu hết “khách bộ hành trong mơ” thường cũng là nạn nhân của stress, mất ngủ hoặc chứng ngừng thở lúc ngủ (phải thức giấc liên tục từng khoảng ngắn)...
Ngoài ra còn có tình trạng tạm gọi “mộng du 50%” tức đương sự không rời khỏi giường, chỉ thực hiện những động tác đơn giản như tắt quạt điện, cởi quần áo...
Chẩn đoán mộng du dễ làm là nhờ người thức canh. Tuy vậy không phải đêm nào đương sự cũng có hứng du hành nên sau vài đêm gà gật các “nhân chứng” thường bỏ cuộc. Đặt máy quay hoặc làm “thám tử” con nhà nghèo như rải phấn, vôi xuống sàn (sáng dậy nếu thấy dấu chân la liệt thì đã rõ). Cách nào cũng đừng quên khóa hết cửa nẻo cho an toàn.
H.Hoàng thân mến, có thể đơn giản hơn là đêm hôm ấy nóng bức em mơ ngủ nên đã cởi bỏ quần áo, sáng dậy quên mất. Tuy vậy để phòng xa em có thể thử áp dụng những “xét nghiệm hình ảnh” trên hoặc nhờ bố mẹ đưa đi khám cho chắc chắn.

Tặc lưỡi khó gần

TT - Em có tật hay tặc lưỡi nên bị bạn bè nói sau lưng là “bà cụ non”. Nhiều lúc gặp bực mình, dù cố nín nhưng rồi em cũng buột miệng tặc lưỡi một phát. Làm sao để trị cái tật này bác sĩ ơi?
Th.Du (Long An)
 
- Tặc lưỡi khá đa nghĩa: bực bội, tiếc rẻ, trầm trồ, mặc kệ... Hầu hết chúng ta học tặc lưỡi một cách không chủ ý từ người khác. Nhiều người còn cải biên theo hướng mà có khi chỉ chủ nhân mới hiểu. Tặc lưỡi cùng hệ với loạt thán từ không lời “hít hà”, “xuýt xoa”; có lời như “trời ơi”, “chết cha”, “khỉ mốc”… hay sính ngoại như “yes”, “woa”…
Với một bạn trẻ có tật nghiện tặc lưỡi dễ bị quy là “cụ non” khó gần, đôi khi vì thế mà bị xa lánh. Tuy chuyện gai mắt ở đâu cũng có nhưng dù sao cách bày tỏ “chính kiến” này hơi khó tiếp thu với người cùng lứa.
Th.Du thân mến, muốn sửa không cách nào khác em phải cố thắng thói quen. Mẹo “ngậm hột thị” có thể hỗ trợ bởi tặc lưỡi đơn giản là động tác đánh lưỡi nên buộc nó bận bịu là cách giữ cho lưỡi “một câu nhịn chín câu lành”. Tất nhiên để an toàn chống hóc dị vật, em có thể thay hạt me, hạt mãng cầu bằng viên ngậm vitamin hay kẹo cao su.

Sợi mì chen sợi tóc


TT - Hôm rồi em vô quán ăn mì. Đang ăn em phát hiện trong tô có một sợi tóc. Ví dụ lỡ nhắm phải cọng tóc có sao không ạ?
THÚY VINH (TP.HCM)
- Thành phần chính của tóc là keratin (protein sừng) là thứ khá khó xơi với hệ tiêu hóa. Do vậy lộ trình thông thường của sợi tóc lưu lạc vào cơ thể là vào thế nào ra thế ấy. Nghẽn tắc có thể xảy ra khi tóc kết thành búi thường chỉ ở người nghiện ăn tóc hay bệnh nhân tâm thần.
Thực tế cả đời chắc chắn ta đã tiêu thụ một lượng tóc khá bộn. Không gây hậu quả trực tiếp nhưng sự có mặt của nó đã phần nào tố giác vấn đề an toàn thực phẩm của tô mì (ai dám chắc không “quá giang” theo sợi tóc là đủ thứ bỏ đi của da đầu, gàu chẳng hạn). Paraphenylenediamin trong thuốc nhuộm tóc gây độc gan, thận và ung thư. Tuy vậy chỉ lỡ chén vài ba sợi thì không sao và dù sao nồng độ độc chất cũng đã pha loãng trong cả… nồi nước lèo.
Đúng điệu thì đầu bếp nam hay nữ đều phải đội mũ hay trùm kín đầu. Với thức ăn hàng quán việc này khó. Do vậy thực khách chỉ còn cách “ăn bằng mắt” theo cả nghĩa đen: phát giác và trục xuất nóng kẻ trà trộn trong tô mì của mình.