28 tháng 9 2011

Sau sinh, gian truân nào đã hết

PNCN - Sau khi con ra đời, bên cạnh niềm vui vô bờ bến bên thiên thần nhỏ, tình cảnh của hai đấng sinh thành xem ra chưa hết gian truân, nếu không nói đây là thời điểm dễ tổn thương của họ. 

Đảo lộn dưới "triều đại" mới
Sự đăng quang của vị "hoàng đế" còn mặc tã hẳn kéo theo lắm đảo lộn. Mọi sinh hoạt gia đình gần như chỉ xoay vòng quanh "ngai vàng". Chuyện tã, sữa, bú mớm, chiều cao, cân nặng… tuy đã nhức đầu nhưng còn khỏe chán so với lúc phải lo âu, thức trắng vì "ngài" sốt cao, ban đỏ, ban trắng…
Tin vui đã đến với vợ anh T.D. (Q.9, TP.HCM) khi chị cấn bầu. Anh làm công chức, chị buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, sau sinh lại là thời gian dài khốn khó vừa chăm con vừa "nghỉ mất sức" của chị vì thai kỳ gặp trở ngại và đứa bé sinh thiếu tháng nên bệnh như cơm bữa. Kinh tế "hẫng" mất một chân, đồng lương của anh vốn chẳng là bao, nay phải gánh thêm tiền sữa, tiền thuốc của con. Túng quá, họ đành muối mặt xin tài trợ nội, ngoại, điều mà anh T.D. rất dị ứng. Từ đó, anh trở nên buồn phiền, về nhà hết thở dài sườn sượt lại kiếm cớ trách vợ "đẻ cũng không xong!". Không khí gia đình  lúc nào cũng nặng nề.
Cơn trầm cảm của bàn tay đưa nôi
Ta thường nghe chứng trầm cảm sau sinh mà theo các bác sĩ khó truy nguyên đích xác bởi nó là sản phẩm của cả "gói nguyên cớ" hữu hình và vô hình, đã và đang bủa vây bà mẹ.
Đơn cử, trong số bà mẹ sầu uất, có nhiều cựu sản phụ vừa trải qua thai kỳ nặng nhọc hoặc cuộc lâm bồn thập tử nhất sinh. Một thủ phạm gây trầm cảm kinh điển khác là nỗi thất vọng sinh con… không theo ý muốn, mong "văn" mà hóa ra "thị".
Nhiều cô gái con nhà khuê các đã bỏ qua thời kỳ quá độ, tiến thẳng lên vị thế làm mẹ thường vướng phải "ám sợ" không đảm nổi việc nuôi con. Vừa tốt nghiệp lớp 12, T. Tr. (Cà Mau) đã vội lên xe hoa. Con nhà khá giả, lâu nay không hề động móng tay việc gì nên cô rất vất vả khi nấu nướng, chăm sóc chồng mà vẫn "đụng đâu bể đó". Sau sinh, tình hình còn bi đát hơn, đến việc cho con bú, bà mẹ trẻ cũng phải nhờ hết mẹ chồng đến chị hàng xóm chỉ bảo mà vẫn trật vuột. Một lần, cô vô ý để đứa trẻ mút sữa quá nhanh khiến bé sặc sụa một trận suýt ngưng thở. Anh chồng hãi quá, quyết nghỉ làm không lương để ở nhà giúp vợ…
Cục lo đôi khi mang tên cơm áo gạo tiền: lo con ăn không đủ no mặc không đủ ấm, lo sữa của con không đủ dưỡng chất thông minh, cao lớn sáng tương lai… Nhiều bà mẹ trẻ vừa "ầu ơ con ngủ cho ngon" vừa lo ngay ngáy kỳ sinh đã tàn phá... đường cong của mình thế nào và suy diễn: "ai biết được, vì cái cớ sồ sề của mình mà ổng chẳng đang rắp ranh ôm cầm sang bến khác?".
Nỗi niềm "phế đế"
Hạnh phúc làm cha dâng tràn, nhưng gánh nặng gia đình thời hậu sản vẫn dư sức làm hẫng chân nhiều cây tùng, cây bách.
Sau cuộc binh biến, không ít ông nhận ra mình rơi tự do từ vị thế rường cột xuống hàng "phế đế". Có những bà mẹ dốc trọn tâm tư vào cục cưng đến độ biến chồng thành "lai vô ảnh, khứ vô hình". Đức ông chồng có thể đôi ba lần thể tất việc vợ bận chăm con mà trễ nải nấu nướng, nhưng nếu thực đơn mì gói hay cảnh "tha hương cầu thực" cơm hàng quán chợ diễn ra quá thường xuyên thì không chắc Thái Sơn còn giữ được bình tĩnh.
Bạn bè lấy làm lạ vì từ khi vợ sinh, anh V.C. (Đồng Tháp) trông bệ rạc đến độ bị ghẹo "trai một con trông… rầu con mắt". Hỏi mới biết anh buồn vì bị vợ… quên bẵng sự tồn tại của mình. Kinh tế khá, vợ lại là "máy chủ" kiếm tiền nên cô sẵn sàng chi đậm  mời bác sĩ về nhà chăm sóc mẹ và bé. Trong  nhà có đến hai Osin, một làm việc nhà, một giúp bà chủ chăm "thiếu gia". Trong không khí lăng xăng đó, anh  nhận ra không có chỗ cho mình, đến việc nựng con cũng bị vợ nhắc: "Nhẹ tay kẻo… đau con".
Sóng gió uyên ương phòng
Một đối tượng rất dễ dính đòn dưới sự trị vì của "quân vương" mới: chuyện ấy  của "thái thượng hoàng" và "hoàng thái hậu". Lắm ông phải ngậm ngùi cảnh "chịu ơn mưa móc" của vợ trên giường bởi người chung chăn đã gửi hồn lẫn xác sang niềm vui mới.
Nhiều phụ huynh thú thật họ chẳng lòng dạ vầy cuộc yến oanh bên cạnh con yêu đang yên giấc. Hậu quả có thể tệ hơn, nhiều lần bị bà suỵt khẽ "nhẹ tay cho con ngủ!" nhiều ông chồng đành ngậm ngùi nhìn hứng khởi của mình "bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ".
Chồng của cô Ng.H. (Cần Thơ) sẵn sàng bỏ tiền sắm máy báo động hay lắp camera theo dõi đặt trong phòng con, miễn là vợ đồng ý đưa nôi cục cưng bốn tháng tuổi sang phòng khác, trả lại không khí phòng the cho hai vợ chồng. Cô Ng.H. lại kịch liệt phản đối vì không rời được con và còn trách cứ chồng ham hố giường chiếu. Cuối cùng, anh chỉ còn chọn cách đánh "du kích": đợi nửa đêm mới dám khều vợ dậy, thời điểm mà bà mẹ trẻ an tâm không làm kinh động giấc ngủ cục vàng nhất.
Nhiều phụ nữ sau sinh và cho con bú phải chịu một khoảng thời gian trống vắng dục tình đến khi sự cân bằng hormone tái lập, chưa nói, sự cho phép tâm lý, có khi kéo dài nhiều tháng. Nghĩa là ý trời buộc nhiều ông chồng không chỉ chăn đơn gối chiếc chín tháng mười ngày mà còn phải đợi thêm ít tuần, ít tháng vò võ nữa.
Nhịn thì phải cồn cào, nhưng hễ lân la lại gần thì lắm khi ý nguyện không thành mà nhiều ông phải xơi nguyên bài cằn nhằn "lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem" nhức xương từ hiền nội. Nhiều ông kềm lòng không đặng ra ngoài tìm hơi ấm khác, đợi bếp nhà đỏ lửa trở lại. Mấy ông lòng dạ son sắc thì không chắc kiềm được bức bối rồi trút bực bội lên vợ, thậm chí lên thiên thần nhỏ như kẻ… chia uyên rẽ thúy.
Trước cái khổ của chồng, nhiều cô phải đành diễn cảnh hồ hởi chăn chiếu, trước đẹp lòng lang quân, sau giữ gìn giềng mối gia đình. Những phụ nữ hy sinh vì nghĩa này có khi  phải chịu đau đớn bởi "hạ tầng" tình dục của họ chưa phục hồi, chẳng hạn vết cắt tầng sinh môn chưa thành sẹo. 
Tình dục thời hậu sản lắm khi trầy trật vì những nguyên cớ "đỡ không nổi". Có cô sau thai kỳ nặng nhọc bỗng sinh… mất cảm tình với tình dục - kẻ chủ mưu. Có ông chứng kiến kỳ bầu bì khổ sở của vợ tự cảm thấy mình… có lỗi nên tự giác lảng tránh phòng the. Có ông được bác sĩ cho vào tận phòng sinh mục kích cơn lâm bồn kinh sợ của vợ, sốc nặng, hễ nghĩ đến tình dục là nổi da gà.
Ai cũng biết, từ lâu lan truyền trong giới bà bầu thông tin về sự giãn nở âm đạo sau sinh, làm thất thoát khoái cảm cho đôi bên. Điều này không chỉ mất mát "vật chất" mà sâu xa còn liên quan đến viễn cảnh đen tối: ông chồng thất thu nên tìm nơi bù đắp ngoài vòng tay vợ. Để tự cứu, nhiều cô sẵn lòng nhờ tay dao kéo của bác sĩ thẩm mỹ hay nỗ lực với bài tập Kegel thu hẹp cửa mình.
Sau sinh, B.Q. (TP.HCM) vì nỗi lo "thun giãn" mà hằng ngày quyết liệt cực "bế quan", miệt mài tập Kegel. Mất vài tháng khổ luyện, cô quyết định "hạ sơn". Trong đêm đầu "nghiệm thu", cô ướm hỏi thì bất ngờ được chồng cho biết: anh biết tỏng lâu nay vợ khổ luyện nhưng kết quả chuyện ấy, theo anh, so với trước… chẳng có gì khác!
Tình và nghĩa đãi nhau

Có thể nhận ra, trong danh sách những kẻ "làm khó" gia đình thời hậu sản có cái trời sinh nhưng cũng có cái do người trong cuộc tự làm rối. Đơn cử, tình cảnh "công dân hạng hai" của nhiều ông chồng lắm khi do lỗi bà vợ quá đề cao thiên chức làm mẹ mà quên chức trách người "nâng khăn sửa túi". Sự khó ở còn xuất phát từ việc do hai bên không biết sắp xếp để mớ bòng bong đỡ rối. Người ta khuyên, dù đầu tắt mặt tối thế nào, các cô vẫn có thể tìm ra và "nhín chút thời gian" cho chồng, cho mình.
Đến lượt các ông chồng làm bảng tự phê. Có không ít ông bố, thay vì san sẻ, có khi chỉ chút ghé vai tinh thần với vợ, lại chất hết việc chăm con lớn nhỏ lên vai vợ. Với gối chăn cũng thế. Như đã nói, phụ nữ sau sinh thường "tắt lửa lòng" một thời gian. Hiểu được "ý trời" không chỉ giúp các cô đỡ áy náy mà các ông cũng dịu lòng.

Nuôi "giặc" trong nhà

Nuôi "giặc" trong nhà facebook Nuôi "giặc" trong nhà twitter Nuôi "giặc" trong nhà delicious Nuôi "giặc" trong nhà google Nuôi "giặc" trong nhà Nuôi "giặc" trong nhàPNCN - Stress có thể nhô ra từ bất kỳ ngõ ngách cuộc sống, ngay cả trong gia đình. Trớ trêu, nơi được mệnh danh là thành trì kháng stress lại trở thành… ổ bệnh.

Hậu phương thành… mặt trận
Bệnh tâm thần (trầm cảm, loạn thần hưng - trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách…) bao giờ cũng khởi đầu bằng những bước dò dẫm, gọi chung là vấn đề sức khỏe tâm thần. Không còn nhiều để nói khi bệnh đã rồi, nên có lẽ cần tốn giấy mực hơn cho khúc "tiền khả thi". Thủ phạm có nhiều, nội sinh, ngoại sinh đều có, đáng kể là những tác động tinh thần tiêu cực mà ta hay gọi chung là stress xấu.
Có thể kể không hết những cú stress ra đời từ chính tế bào xã hội. Ngoài cú sốc nghìn cân "sinh ly tử biệt" thì đòn cân não nện vào đầu nạn nhân chủ yếu giáng từ bốn thế: thất vọng, bất mãn, buồn chán và tự ti.
Ngay trong boong-ke của mình, đàn ông lại là nạn nhân dễ bị "chấn thương sọ não" tinh thần nhất, từ chuyện vợ con đến nếp ăn nếp ở trong nhà. Một bà vợ mè nheo không biết mệt, một cô vợ cuồng tín shopping, một cậu quý tử sành điệu xem bố mẹ là mô gò cản lối, một cô gái rượu vừa đôi chín đã đôi ba lượt "sống thử"… đều có thể mỗi vị một chùy hạ "nốc-ao" ông bố.
Tất nhiên, giới tính người bị hại có thể đảo chiều. Một quý cô nâng khăn sửa túi nhầm anh chồng là đệ tử chân truyền "Lưu Linh giáo" hay có tài dạy vợ bằng… quyền cước, sẽ là ứng viên hứa hẹn của mọi phòng khám chuyên khoa tâm thần.
Bất kỳ trụ cột nào cũng có nhu cầu được những thành viên còn lại thể hiện sự tôn trọng. Thế nhưng, không thiếu ông bố, bà mẹ bị kẻ "dưới quyền" coi như pha hoặc nhìn họ như những ông cốt bà tượng hữu danh vô thực.
Anh Đ. Khánh (TP.HCM) phải xin cái hẹn với bác sĩ tâm thần bởi sau đợt "giảm biên chế" của công ty mà anh là ứng viên, anh luôn khổ sở với cô vợ hay  đặt chồng lên bàn cân với "đối trọng" là vị đại gia nhà bên mới ngoài ba mươi đã sự nghiệp lẫy lừng, vợ đeo vàng đỏ tay, con học trường quốc tế...
Sau khi chồng mất, cô M. Tuyền (Hậu Giang) đến khổ với nạn "mẹ làm cô giáo… con đốt sách" của cậu con trai dọc ngang "tài không đợi tuổi". Một mình, vừa kiếm tiền vừa gánh trách nhiệm giáo dục ông trời con (hay có tật  vừa… nhịp đùi vừa nghe thân mẫu mắng), chịu không xiết, bà giáo hom hem ngã thêm bệnh suy nhược thần kinh...
Không chỉ khổ với nhân tai, cả những bất xứng ý vô tri cũng là nguồn stress không đáy. Anh M. Tuấn (Bến Tre), một công chức đã nhiều lần "chết ngất" khi nhìn thấy mấy chậu mai kiểng ngàn vàng khôn chuộc của mình hết bị vợ hắt bã cà phê đến chàng rể vứt tàn thuốc lá.  Nhưng hễ mở miệng phàn nàn là anh bị vợ mát mẻ: "Còn khỏe, không lo kiếm tiền mà bày đặt… hưởng lạc!".
Cô T. Chi (TP.HCM) khốn khổ với tính bạ đâu vứt đó của  hai cô con gái rượu sinh đôi. Một lần, bà mẹ thiếu điều độn thổ khi mời đồng nghiệp về nhà và chứng kiến đống áo quần vứt lung tung điểm xuyết ít món nội y của nhị vị công chúa bày trước mắt khách khứa…
Với những tổ ấm đông đúc kiểu "tứ đại đồng đường" thì va chạm, nạnh hẹ là "đầu vào" khá tốt cho bệnh thần kinh các loại. Tương tự với vấn nạn mẹ chồng - con dâu, nhạc mẫu - chàng rể…
Ách giữa đàng, mang về "tổ"
Hầu hết trụ cột phải ra ngoài kiếm tiền hoặc tranh đấu với đời. Từ đây nảy sinh thêm nguồn "điên đầu" được đương sự mang từ sở làm, đường phố về nhà. Những cú stress ngoại lai này hoặc đổ dầu vào lửa với "gói" bực mình có sẵn hoặc bị chính gia đình làm trầm trọng thêm. Gặp chuyện bất bình, người ta hay mong được chia sẻ, không may, thay vì vuốt ve, nhiều nạn nhân lại nhận được sự thờ ơ hay tệ hơn là những cú chọc ngoáy để thêm đau đớn vết thương lòng. Một ông bố quyền lực trong nhà nhưng chỉ là nhân viên cạo giấy trong cơ quan, mang nỗi niềm về tâm địa gã trưởng phòng "bức hại hiền tài" về sẻ chia với vợ. Không hay, người đầu ấp tay gối, không cảm thông thì chớ, lại nhân đó trách chồng không biết cương nhu tùy lúc, lựa gió phất cờ...
Cô H. Ngọc (TP.HCM) có tiền sử bệnh tim. Trên đường tan sở, cô chứng kiến một tai nạn giao thông thương tâm. Về đến nhà, mặt mày đang xanh mét, cô lại nhận được hung  tin cậu con bị công an vịn vì tội tống ba, không mũ bảo  hiểm, va quẹt suýt gây tai nạn sau giờ học. Chết dở, bà mẹ phải vào viện cấp cứu, sau đó còn phải điều trị thần kinh vì cứ nhắm mắt lại là thấy cảnh cậu con mình mẩy máu me, băng bó từ đầu đến chân.
Nhân - quả đảo chiều
Các bác sĩ khẳng định, bệnh tâm thần có thể chữa khỏi, càng phát hiện sớm càng khả quan. Nhưng với nhiều bệnh nhân, cơ hội này gần như… bằng không, bởi chính họ hoặc người thân không cho rằng đương sự có bệnh.
Rất khó để một cây tùng cây bách của gia đình chịu nhận mình có vấn đề thần kinh. Vợ con nấp bóng cũng cùng tâm lý trốn chạy sự thật. Chuyện này có phần gây rối không nhỏ của "miệng đời": nhìn bệnh tâm thần dưới con mắt kém thân thiện như điên khùng, vong nhập, quỷ ám, mắc đằng dưới… Bệnh khởi còn có thêm cơ hội ẩn náu từ nhận định sai của đương sự hay người thân. Rất khó minh định trạng thái sầu uất của một người khỏe mạnh chán đời với triệu chứng tiền khởi trầm cảm. Cô độc, chối đời là cú gõ cửa làm quen của hầu hết căn bệnh tâm thần nhưng đơn giản cũng là tính khí của một quý ông mắc thói khinh đời "thiên hạ đục cả, mình ta trong".
Tình hình tương tự với lỗi nhận định của người thân. Mãi đến khi nhận quyết định bị cho thôi việc của chồng, cô H. Phụng (TP. Huế) mới ngã ngửa, bởi bấy lâu để mặc căn bệnh thần kinh của ông phát tiết. Cô đã quá chủ quan trước tình trạng kém vệ sinh thân thể của ông như lười thay quần áo, ngại tắm rửa, cho là hậu quả tất yếu của di chứng yếu liệt sau cơn đột quỵ nhẹ mà ông vừa trải qua.
Một kiểu bỏ qua thường dành cho giới "cửa Khổng sân Trình" hay mấy vị "thiên kinh vạn quyển" là đổ cho tội học nhiều, đọc sách lâu năm thành… ngộ chữ. Với mấy ông hết tuổi công tác, các bà luống tuổi thì cơ chế bệnh sinh có khi bị lầm là bệnh buồn chán về hưu  hay cơn bốc hỏa tiền mãn kinh.
Không chỉ chậm chân với bệnh, nhận định sai của người bệnh hay người thân có khi làm bệnh nặng thêm. Cô Th. Minh (TP.HCM) vì quá bức bối sự hà khắc ngày càng cay nghiệt chồng không thể nhận ra mầm bệnh, thay vào đó bà lại cùng hai đứa con lại bàn nhau nhất tề… vùng lên chống ách thống trị của ông. Thùng dầu hắt vào lửa, bệnh của ông bộc phát tốc độ phi mã,  đến khi được bác sĩ ký giấy nhập viện, thì thê tử chỉ còn biết kêu trời.
Tưởng bở cũng là một kiểu biến "lành thành thọt" thường gặp. Ông T. Vinh (TP.HCM) sẵn sàng cổ vũ cậu con trai sinh viên năm thứ nhất đại học bám đuổi ý tưởng… đoạt giải Nobel, mặc cho những hành vi khác thường của cậu ngày càng tăng. Đùng một cái, ông nhận được điện thoại nhà trường báo việc con ông trong giờ học đột ngột xông lên bục giảng… giật micro của giảng viên và thao thao bất tuyệt về một phát minh thế kỷ của mình. Đưa cậu sinh viên vĩ cuồng đi khám, ông mới tá hỏa khi bác sĩ cho biết con ông đã mắc tâm thần phân liệt thể hoang tưởng từ lâu...
Nguy kề bên gối, họa sát sau lưng
Không hề bêu xấu hay vu oan các tế bào xã hội, nhưng rõ ràng ngày có nhiều dấu hiệu cho thấy các "thủ đô kháng stress" đang bắt đầu kém an toàn với các thành viên của nó. Đừng quên gia đình là một phần tử trong cả tập hợp tế bào xã hội có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Cẩn tắc vô áy náy, hãy cảnh giác ngay cả với mái ấm của mình. Bạn nghĩ sao khi ngày càng có nhiều tin trên mặt báo thuật về những vụ tự sát mà nguyên nhân được ghi đơn giản "buồn chuyện gia đình"?

Chỉ lên đỉnh khi chủ động

Chỉ lên đỉnh khi chủ động facebook Chỉ lên đỉnh khi chủ động twitter Chỉ lên đỉnh khi chủ động delicious Chỉ lên đỉnh khi chủ động google Chỉ lên đỉnh khi chủ động
Tôi lập gia đình được một năm. Trong chuyện vợ chồng, tôi gặp hiện tượng là chỉ khi nào tôi chủ động mới “đạt đỉnh” dù mọi việc không khác lúc ông xã chủ động.
Ông xã không tin, nói là tôi viện cớ. Xin bác sĩ giải thích? - M.Tuyết (TP.HCM)
 
Phần lớn trường hợp quyền bính về tay các bà các cô thắng lợi là do ông chồng quá thụ động, thiếu sáng tạo. Đôi khi không phải lỗi các ông mà do chỉ phụ nữ mới biết mình cần gì, có khi với sự chính xác đến từng centimet.
Ngoài ra, sự tình còn có thể do hiện tượng "đóng đinh tâm lý": mọi việc đang bình thường cho đến một hôm bà vô tình nhận ấn tiên phong và bất ngờ nhận được món quà chăn gối vượt trên mong đợi.
Khoảnh khắc "nghìn năm một thuở" này được lưu lại cùng toàn bộ hình thức và nội dung cuộc gối chăn lúc đó, mạnh đến nỗi sau này nó chỉ chịu lặp lại khi toàn cảnh được phục dựng.
Sự việc bất tiện ở chỗ ông chồng phải thường xuyên nhận vai phó tướng. Nếu cần tìm lại ngai vị, người ta khuyên các ông gắng trổ hết tài nghệ để... đóng riêng một "cây đinh" khác đủ hấp dẫn, nhổ bật cái cũ khỏi bộ nhớ của hiền thê.

Chọn vợ hay phim sex?

Chọn vợ hay phim sex? facebook Chọn vợ hay phim sex? twitter Chọn vợ hay phim sex? delicious Chọn vợ hay phim sex? google Chọn vợ hay phim sex?
"Gần đây chồng tôi có nhiều 'động tác' lạ trong chăn gối. Tôi theo dõi, phát hiện anh ấy xem… phim sex. Tôi rất giận nhưng chưa làm dữ, xưa nay anh vốn nghiêm túc. Tôi phải làm gì để mọi chuyện êm đẹp?".

BS Đỗ Minh Tuấn trả lời
Có hai luồng ý kiến về sự tồn tại của "nhân tố thứ ba" này trong cuộc sống tình dục vợ chồng. Bên thuận bỏ phiếu bởi ba tác dụng "kích đẩy", "học hỏi" và "chữa trị" của nó. Nhiều cuộc gối chăn xanh xao vàng vọt nhờ liều adrenalin này mà hồng hào trở lại. Bên chống thì viện đủ lý lẽ đạo đức, phụ thuộc, nhất là sự bất đồng thuận.
Dù hưởng lợi hay không, phần lớn phụ nữ không tán thành việc ông chồng "tằng tịu" với phim sex bằng nhiều hình thức: từ chối, miễn cưỡng, có khi… thỏa hiệp (biết tỏng chồng lén lút "thọ giáo" và "thi triển" hằng đêm, nhưng bà tảng lờ như không biết). Một hình thức trung dung khác là bà chịu mất một phần hồn xác chồng vào tay "tình địch", nhưng dứt khoát không làm đồng khán giả hoặc đồng môn thực hành "đào tạo từ xa" với chồng.
Từ chối là quyền hợp pháp của phụ nữ, ông nào cưỡng ép có thể rắc rối với pháp luật. Chưa xong, sau cú lắc đầu, bà còn phải đối mặt với tình huống: nếu chồng chịu tu tỉnh thì không nói làm gì, nếu ông vẫn âm thầm theo đuổi đam mê thì làm thế nào?
Sẽ hạ sách nếu quý bà chọn cách làm dữ, miệt thị chồng, thiết quân luật phòng the hay ra tối hậu thư: "Em và 'nó', anh chỉ được chọn một mà thôi!". Dù nộ khí xung thiên thế nào, lời khuyên cho các bà vợ là đâu còn có đó, lựa lời thiệt hơn. Dù sao lỗi của ông không lớn, sinh tật online dù sao vẫn hơn đổ đốn offline.
Những ông chồng "cầu tiến" khi nhận ra không thể sinh lợi từ "sở học" dần dà sẽ tìm cách lảng ra. Với mấy ông mới làm quen thì quá trình "cai nghiện" phim sex cần… lộ trình, khó dứt ra ngày một ngày hai chỉ bằng "mệnh lệnh hành chính"của vợ.
Sau cùng, trước nguy cơ mất chủ quyền, dù ảo hay thực, các bà luôn có lợi thế là hiểu rõ chân tơ kẽ tóc kẻ đầu ấp tay gối. Nhiều vụ rơi mất chồng đáng tiếc là do quý bà không chịu dùng con át chủ bài này.

"Bất lực" cũng năm bảy đường

"Bất lực" cũng năm bảy đường facebook "Bất lực" cũng năm bảy đường twitter "Bất lực" cũng năm bảy đường delicious "Bất lực" cũng năm bảy đường google "Bất lực" cũng năm bảy đường Tôi bị bất lực hơn năm nay khiến hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng.Nhiều lần tôi định đi bệnh viện, nhưng không biết đến khoa nào và không chắc có chữa khỏi được không, vì tôi biết nhiều người cùng hoàn cảnh phải cam chịu số phận .(T.Dũng (Cần Thơ)

Đoạn trường chăn chiếu trục trặc của các ông khá phong phú. Việc gọi chung cả gói trần ai của kiếp đàn ông là "bất lực" dễ gây nhầm lẫn và còn "làm khó" cho việc điều trị.
Tựu trung, có bốn nguồn cơn khiến các ông thất thế trên giường:
- "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", chăn gối dễ eo sèo theo tâm trạng.
- Không thể nói đến thi thố nếu thiếu "động cơ". Testosteron được xem là thước đo ham muốn và lý do khiến phong độ các ông thất thường chủ yếu từ sự trồi sụt của hormon này. Tất nhiên "hào hứng" còn phụ thuộc nhiều thứ khác, chẳng hạn "hạ tầng" khỏe mạnh hay bầu tinh trù phú thì các ông mới có hứng "chuyển giao" và ngược lại…
- Ê-kíp vận hành chăn gối của các ông chịu sự điều khiển trục dọc từ thần kinh trung ương đến ngoại vi. Bất kỳ trục trặc nào của đường dây đều có khả năng gây thảm cảnh "trên bảo dưới không nghe".
- Cương là át chủ bài chuyện ấy của cánh mày râu. Nó bị làm sao (rối loạn cương dương - ED) thì xem như các ông… giải giáp. Đây cũng là khổ nạn giường chiếu phổ biến của phe ta và mệnh hệ chủ yếu dựa vào hệ tuần hoàn, cụ thể là vấn đề bơm máu giúp "công cụ" các ông chạy có tải.
Nguồn cơn rạch ròi thì bệnh nào thuốc ấy mà chữa, tất nhiên với chỉ định của bác sĩ:
- Để nhóm lại lửa lòng, các ông có thể bổ sung testosteron và "hoạt chất" cùng tác dụng từ toa hoặc từ… menu giỏ đi chợ của bà xã như ca cao, cá biển (cá ngừ, cá hồi), cải thìa, cải bó xôi, đậu Hà Lan, cần tây, chuối, bơ…
- Có khá nhiều "phao cứu sinh" gửi đến các ông cương dương bất ổn. Sinh sau và nổi tiếng là Viagra, Cialis, Levitra (cải thiện lưu lượng bơm máu), nhưng trước đó, các bác sĩ đã tìm mọi cách giúp các ông tồn tại như tiêm Papavarine, Alprostadil; dùng bơm chân không; đặt vật liệu đàn hồi hay thổi phồng vào "công cụ", bổ sung L.Arginine, Omega- 3…
- Các bác sĩ nội thần kinh có thể giúp các ông mắc nạn "phép vua thua lệ làng" bằng cách gỡ bỏ viêm nhiễm hay nhiễm độc thần kinh do rượu, thuốc lá, tiểu đường …
- Sau cùng, tình hình phòng the của các ông sáng sủa hay không tùy vào việc triệt trừ bệnh gốc vạ lây giường chiếu như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tuyến giáp, trầm cảm, tác dụng phụ thuốc men…
- Sẽ là duy ý chí nếu cho rằng chỉ bấy nhiêu là đủ phân minh mọi mắc mứu của các ông. Chúng chỉ là chút ánh sáng từ ngọn đèn pin giúp các ông tìm lối trong cảnh tù mù. Không phải đau uống thuốc là khỏi nhưng dù sao biết mình cần đi đâu, làm gì cũng tốt hơn là nhắm mắt "vái tứ phương". Các ông có thể tới phòng khám Nam khoa của các BV như: Bình Dân, Đại học Y Dược… để được các BS khám và điều trị.

Thần tượng và sức khỏe của trẻ

Thần tượng và sức khỏe của trẻ facebook Thần tượng và sức khỏe của trẻ twitter Thần tượng và sức khỏe của trẻ delicious Thần tượng và sức khỏe của trẻ google Thần tượng và sức khỏe của trẻ
PN - Ai cũng biết trẻ chịu ảnh hưởng từ thần tượng thế nào. Không dễ có… tiếng nói nên việc các bậc bố mẹ định hướng được cho con trong việc chọn thần tượng là một thành công lớn.


Ngoài tác động về mặt "xã hội", các thần tượng còn ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ về sức khỏe. Hẳn "lành ít dữ nhiều" cho một cậu trai mới lớn "kết model" dáng vẻ kiêu bạc, nhả khói thuốc như ống khói tàu hay lãng tử túy lúy nốc rượu bằng bát của thần tượng nào đó…
Không thể xem thường hấp lực từ những cách thức sinh hoạt bất lợi cho sức khỏe, giỏi "ngụy trang" của nhiều thần tượng. Chẳng hạn, một cô ca sĩ thần tượng tuổi teen lên mạng tâm sự việc cô thường xuyên ăn mì gói vì đầu tắt mặt tối với các sô diễn. Tất nhiên cô ca sĩ không có lỗi, chỉ không hay khi nếp ăn uống bất lợi này lại được các fan nhỏ tuổi đánh giá cao như một hình mẫu bận rộn của người nổi tiếng.
Ngay cả với hình thể, các thần tượng cũng có thể gửi đi thông điệp về sức khỏe. Không lạ hiện tượng nhiều nam nghệ sĩ xuất hiện với hình ảnh "môi đỏ như son, da trắng như trứng gà bóc". Hẳn để có nhân dạng đó, chủ nhân phải rất gắn bó với các bóng râm. Tất nhiên họ không có lỗi, chỉ không hay khi "xì-tai" này lại vô tình định hướng nhiều bạn trẻ mới lớn về cái đích của sự thành đạt.
Các cô bác lớn tuổi từng hâm mộ Lucky Lucke nổi tiếng hẳn biết chuyện họa sĩ Morris thay đổi hình ảnh "xanh" cho chàng cao bồi lãng tử bằng cách "gỡ" điếu thuốc trên môi anh ta xuống thay bằng cọng rơm.
Rất khó xoay xở khi chuyện đã rồi, tốt nhất các bậc phụ huynh nên dụng công sớm trong việc cố vấn cho trẻ chọn thần tượng, vẫn có thể "bắn nhanh hơn cái bóng của mình" với "cọng rơm" trên môi thay vì "điếu thuốc".

Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu'

Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu' facebook Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu' twitter Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu' delicious Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu' google Vợ chân dài, sợ khó đáp ứng chuyện 'yêu'
"Tôi sắp cưới. 'Khả năng đàn ông' của tôi bình thường trong khi bà xã tương lai dài như người mẫu. Nghe nói 'trường túc bất tri lao', điều này có cơ sở không? Xin bác sĩ giải thích sớm vì ngày cưới đã cận kề".

BS Đỗ Minh Tuấn trả lời
 
 
Đây là một trong những kiểu "trông mặt bắt hình dong", bị thực tiễn chứng minh là thiếu cơ sở. Trường túc là việc của gene, cơ, xương, không có giá trị quy đổi nào với tình dục.
Thật ra, "bất tri lao" cần được hiểu: nhu cầu như ly nước, đã được đổ đầy chưa, nếu chưa thì chân dài hay ngắn cũng cần rót thêm. Nhiều ông chồng có vợ thiếu thước tấc phải kêu trời "hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn". Như vậy, sẽ thiếu sót lớn nếu chỉ nhìn vào thể tích ly mà bỏ qua lượng nước và người đổ nước. Ở đây, cần hiểu kỹ hai yếu tố khoái cảm và cực khoái của phụ nữ. Đại để, khoái cảm là những bậc thang mà các cô bước lên tương đối dễ dàng. Ngược lại, cực khoái đặt trên đỉnh của chiếc thang, có người đạt được, có người không (có khi chỉ cách... nửa bước chân).
Một quý cô chưa từng hoặc thi thoảng mới lên đỉnh, ắt phải gắng leo dốc không biết mệt, cả khi thừa khoái cảm. Lưu ý, lắm khi "đỉnh" tự đến mà không cần các cô bước hết các bậc. Cơ hội nhảy vọt này trông cậy cả vào tài và… duyên của các ông (không phải nai lưng hùng hục là có). Không ít bà than thở mười mấy năm hương lửa mà cực khoái hiếm như lá mùa thu. Ngược lại, lắm đôi xuân thu nhị kỳ nhưng sờ tới đâu "tiền vô như nước" tới đó.
Lo lắng của bạn giống nhiều chàng trai sắp lên xe hoa khác bị dọa bởi quá nhiều tin đồn "hồng diện đa dâm thủy", "đa mi tắc đa mao"… Cái thiếu cơ sở đầu tiên là bạn chưa "đọ sức" thì làm sao biết mèo nào cắn mỉu nào. Bạn còn chưa tính đến tài lèo lái của mình. Nhiều ông có chiều cao kém vợ một cái đầu vẫn chuyển bại thành thắng nhờ giỏi xoay xở, biến thách thức thành cơ hội.
Suy nghĩ "chủ bại" sớm rất nguy hiểm, bởi nó dễ khiến bạn thua ngay loạt đạn đầu và di họa dai dẳng về sau. Khá nhiều đồn đoán về những phụ nữ "bất tri lao" bị thổi phồng quá đáng, trong đó, không thiếu ý vun vào của những ông chồng không thể "đổ đầy".
 

Chống béo phì -dành một ghế cho trẻ

PNCN - Trẻ con ngày nay rất dễ phát phì. Không lạ câu than phiền cửa miệng của nhiều phụ huynh: “Sểnh một tí là thằng cu, cái tí lại lên cân”.

Hơi thừa nếu nhắc lại những công thức "biết rồi khổ lắm nói mãi", ở đây chỉ bàn một số cách nghĩ và làm thái quá khiến phụ huynh phải chịu bại dưới tay béo phì. Cụ thể, trong các kế hoạch giúp trẻ, người lớn thường bỏ qua chính … "tiếng nói" của trẻ.
Trước tiên, béo phì cũng có năm bảy đường (dựa vào chỉ số BMI chẳng hạn). "Chụp mũ" oan một đứa trẻ mới ở hạng tăng cân hoặc dọa béo phì sẽ làm khổ đủ đường cho mọi bên. Không ít phụ huynh nhác thấy con tròn tròn một tí là áp ngay "chế độ thời chiến", thậm chí bỏ qua cơ hội "phản biện" tối thiểu của trẻ là đặt trẻ… lên bàn cân.
Nhiều phụ huynh ám ảnh nặng câu "Một đứa trẻ béo phì sẽ là một người lớn béo phì" hoặc "con nít đã lên thì rất khó xuống (cân)" dẫn đến quá tay trong hành động.

Ảnh: Gettyimages
Áp dụng công thức vàng "tiết thực + vận động" một cách cực đoan là lý do thất bại phổ biến khác. Nhiều phụ huynh dần đẩy tiết thực gần đến mức… tuyệt thực với trẻ, ít ra với chất ngọt, chất béo. Nhiều trẻ chịu khổ vì bố mẹ mắc… bệnh thành tích, so với con hàng xóm chẳng hạn. Đứa trẻ ăn nhiều không phải là đứa trẻ có tội - tạo hóa đang xui nó "tích cốc phòng cơ". Trẻ tròn trĩnh không  phải là trẻ có lỗi - đó là một dấu hiệu của sự khỏe mạnh.
Ở cực khác, lắm phụ huynh lại áp đặt lên trẻ một chế độ vận động quá cỡ. Nhiều trẻ sốc khi bị chuyển từ chế độ "tĩnh" sang "động" quá đột ngột, dẫn đến phản ứng tiêu cực như đối phó, chống đối. Nhiều cô, cậu mặt nhăn mày nhó sáng đi bơi, chiều Vovinam, tối mắt mở không lên lại bị bố mẹ cấm… ngủ sớm.
Rõ ràng, chống béo phì kiểu cực đoan sớm muộn cũng thất bại. Trẻ không phải là người lớn thu nhỏ, chúng sẽ có trăm phương nghìn kế làm hỏng những kế hoạch "chuyên chế". Nên nhớ, sau kiêng khem thất bại, cơ thể trẻ sẽ quay lại chế độ ăn gấp đôi gấp ba, bù lại thời "thiếu đói". Qua nhiều lần bắt cóc bỏ đĩa, cơ thể trẻ sẽ bị lờn và loại béo phì "kháng thuốc" này trở nên bất trị.
"Được ăn những gì mình thích" là một thành tố của thiên đường tuổi thơ. Không nên làm hỏng cảnh "bồng lai" này của trẻ bằng việc cấm đoán quá tay hay cố tình… "bêu xấu" một số "ưu vật" thời hoa niên như bánh ngọt, kẹo mút, sôcôla, chè, kem…
Rốt lại, nhiều cuộc "kháng chiến" chống béo phì cho trẻ thất bại là do chính thái độ của các bậc cha mẹ. Hãy giành một "ghế" cho trẻ trong mọi cuộc bàn thảo, lên chương trình, dù cách này mất thời gian và nhiêu khê, nhưng chậm mà chắc; "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".
Dù "body" của con bạn có vẻ tròn trĩnh, nhưng nếu bạn cảm thấy mọi việc vẫn trong tầm tay hoặc cả khi đã từng thất bại, mà bạn vẫn chưa xài hết sách lược, thì có lẽ bạn không cần phải "một mất một còn" thái quá với béo phì, kẻo… tội nghiệp trẻ.