14 tháng 3 2010

Đôi mắt

Bạn bè thường bảo tôi không được bình thường, thế nhưng khi tôi hỏi chúng thế nào là bình thường thì chúng chịu. Tôi cũng vậy, mãi đến tận bây giờ tôi cũng chưa biết được mình có được bình thường hay không?


Hồi đó tôi đi học lớp 9. Quê tôi nghèo lại thưa dân, đến nỗi không may có chuyện gì chỉ còn có nước vòng tay mà hú đến khản giọng mới mong có kẻ láng giềng tối lửa có nhau. Một ông bạn cũ của cha tôi thương tình tặng cho một suất "học bổng" trường tỉnh, bao luôn ăn ở. Nhà ông khá giả lại rộng thênh thang, thêm một cái bóng ra vào âu cũng là đôi bên cùng có lợi.

Tôi bắt gặp đôi mắt em khi vừa mới bước chân vào nhà, em nhìn tôi mỉm cười còn tôi gật đầu đáp lễ. Khi bước hẳn vào trong thưa chuyện cùng ông bà chủ nhà, tôi biết em vẫn nhìn theo, chắc thế! Hai ông bà dành hẳn cho tôi tầng dưới, nó trống hoác chỉ có một chiếc bàn gỗ lớn đã cũ - nơi tôi ngồi học và đối diện ngay trên tường là một chiếc gương soi thật to. Tôi không hiểu người ta đặt nó ở đây để làm gì, để soi thì không tiện vì nó vướng chiếc bàn gỗ, với lại vớ tuổi đã cao ông bà chủ cần gì chiếc gương soi. Tôi trở thành anh học trò trường tỉnh như vậy đó, sở hữu nguyên căn phòng với chiếc gương soi cứ in mãi lên đó đôi mắt của một cô gái xa lạ bởi em luônngồi ở phía đối diện với chiếc gương soi sát bức tường sau lưng mỗi khi tôi ngồi xuống bàn.

Hai ông bà chủ nhà rất ít khi xuất hiện, tôi thì có tật học rất khuya, có khi đến gần sáng. Em cũng thức khuya không kém, cứ ngồi đó không làm gì cả và cứ in mãi nụ cười của mình lên chiếc gương soi. Lúc đầu thì tôi cho qua, nhưng lâu dần thì tôi đâm phật ý, cố tìm một điểm khôi hài nào trên khuôn mặt mình, tịnh không, mặc dù tôi chẳng phải là kẻ đẹp trai gì cho cam nhưng rõ ràng không thể có cái gì đó để người ta cứ nhìn chòng chọc vào đó rôi mĩm cười mà chẳng thèm một lời bình phẩm. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại giận dữ tắt đèn đi ngủ, có thế mới mong dập tắt được ánh mắt dai dẳng của em.


Tôi học cũng không đến nỗi tệ. Kể ra đám học trò trường tỉnh cũng không gì là ghê gớm lắm, có điều chúng khó gần tôi còn tôi không thích gần chúng. Có lẽ chúng quá ồn ào còn tôi lại mê thích tĩnh lặng. Tôi đâm ra không có bạn.

Nghĩ lại tôi thấy mình không phải, dẫu sao em cũng là chủ, tôi là khách, sẽ mất lịch sự nếu như tôi không mở lời trước, mặc dù tôi biết em sẽ không trả lời đâu. Tôi đã không lầm, nhưng mặc, tôi cứ nói, nói không đầu không đuôi như một thằng điên giữa đêm khuya. Khi được nói một mình người ta đâm bạo dạn với những điều mà trước đó không hề dám nói. Còn em thì cứ mãi cười chẳng biết khen hay chê, chẳng đồng tình cũng chẳng phản đối. Rồi cứ thế từng đêm, mỗi lần cho phép mình được rời khỏi đám sách vỡ khô khan ngẩng lên thì lập tức bắt gặp cái nhìn của em bạo dạn!

Tôi bắt đầu để ý em kỹ hơn. Tôi chưa từng thấy ai đó có đôi mắt như thế, nó buồn ngay cả lúc đang cười. Có người bảo không nên nhìn vào một đôi mắt như thế, tôi đã cố nhưng chẳng xong. Em mặc một chiếc váy màu xanh. Có lẽ em mê thích cái màu xanh ấy lắm nên từ lúc tôi đến đây em chỉ một mực mặc màu ấy thôi. Rồi thời gian cũng qua nhanh, không còn cách nào khác tôi mặc nhiên thừa nhận sự có mặt của em ở ngay sau lưng mình dù cho em có thốt ra lời nào hay không.

Một lần sững sờ tôi nhìn thấy em khóc. Tôi hốt hoảng bới tìm một cái gì đó không phải trong những câu chuyện của mình. Tịnh không, không có gì để xúc phạm em cả. Nhưng dù gì đi nữa, tôi vẫn phải xin lỗi em bởi không còn ai trong căn phòng này để làm em phải phật lòng. Tôi bước lại gần bức tường nơi em đang ngồi, đây là lần đầu tiên tôi đến gần em như vậy. Tôi rùng mình khi nhìn thấy em vẫn mỉm cười, cười trong khi đang khóc!

... Chẳng lẽ đây là một rò đùa quá quắt của em sao? Nhưng tôi phát hiện mình lầm: chỉ là những giọt nước còn sót lại trên mái nhà vô tình rới đúng má em. Ngần ngừ một lúc tôi quyết định lau giùm em những giọt nước mắt không thật đó. Một thoáng rùng mình khi bàn tay tôi lướt nhẹ trên má em. Đêm đó tôi nằm chiêm bao thấy đôi mắt em to hơn vì nó được nhìn rất gần.

Sáng hôm sau tôi báo cho ông chủ nhà vấn đề của cái mái nhà. Một tốp công nhân được mời đến để chỉnh trang những chiếc rui kèo đã cũ. Khi tôi trở về thì người ta đã dời chiếc gương soi đi chỗ khác. Tôi giận dữ ra mặt nhưng rồi lại thấy mình ngớ ngẩn: tôi vẫn là khách kia mà. Không bao lâu sau tôi lờ mờ đoán ra đó là lệnh của ông chủ nhà. Có lẽ ông đã nhận ra đôi mắt quá quắt của con gái mình trong chiếc gương soi chăng? Từ đêm đó mỗi lần ngước nhìn lên tôi chỉ bắt gặp một bức tường trống vắng. Căn phòng bỗng trở nên lặng lẽ hơn ít ra cũng không còn một lời độc thoại nào của tôi giữa đêm khuya nữa. Còn em thì vẫn ngồi y như thế ở chỗ cũ.

Một năm trôi qua, tôi đã trở thành anh học trò trường tỉnh thành thục tạm bằng lòng với cuộc sống thiếu vắng những xáo trộn. Nhưng rồi một biến cố lớn đã xảy ra làm cuộc đời tôi ngoặt sang một hướng khác. Ông chủ nhà trở thành tàn phế sau một cơn nhồi máu cơ tim. Việc chăm sóc ông quá cực nhọc khiến bà vợ quyết định bán căn nhà đi để mang ông về quê. Không còn gì bấu víu, tôi đành phải khăn gói về quê. Tôi đâm hoảng, không phải vì xa cái chỗ ngồi thân quen suốt ba năm qua mà là vì phải xa em, không biết tôi đã đặt đôi mắt em vào cuộc đời mình lúc nào nữa. Cuối cùng tôi đánh bạo xin bà chủ nhà cho tôi mang em theo. Nghe xong bà khóc: "Thôi thì cho nó theo cậu làm bạn. Nó cũng trạc tuổi cậu!"

Được cho phép, tôi mừng như bắt được vàng, hăm hở thu dọn hành lý, rồi trịnh trọng đến bên bức tường nơi em đã ngồi suốt thời gian tôi đến đây. Ngần ngừ tôi tự hỏi khôngbiết em có bằng lòng với việc làm của tôi không. Mừng rỡ tôi đọc đượctrong mắt em sự bằng lòng. Mạnh dạn tôi với tay gỡ chiếc khung ảnh từ trên tường xuống, mặt kính đã ố vàng, tôi khẽ lau đi lớp bụi thời gian đó rồi cẩn thận như sợ một chút kinh động nhỏ cũng làm em vỡ ra từng mảnh. Tôi đặt em vào va-ly ở nơi an toàn nhất. Xong ,tôi bước ra khỏi căn nhà nhìn nó lần cuối rồi tự mỉm cười một mình, tôi đâu có mất nhiều, được là đằng khác vì ít ra kể từ bây giờ tôi đã có thể nhìn thẳng vào mắt em mà không phải qua một chiếc gương soi nào cả.