1. Đôi khi cũng nhầm
- Tại sao nguyệt san của em lại không đều? Có ngày ra nhiều, có lần lại rất ít chỉ kéo dài hai ngày là hết? Có cách khắc phục nào không?
Ở tuổi em thì chuyện nguyệt san khó mà cân, đong, đo, đếm chính xác như cân tiểu ly được. Chỉ cần xuất hiện vài yếu tố gây “nhiễu” nhỏ nhoi như căng thẳng trước ngày “vượt vũ môn” hay một trận cảm xoàng cũng có thể khiến kinh nguyệt bị “xao nhãng”. Miễn là sức khoẻ vẫn đảm bảo thì cứ an tâm em ạ!
2. Đau quặn giờ cao điểm
- Lần nào nguyệt san ghé thăm em cũng đau bụng dữ dội. Tại sao lại như vậy có cách nào hết đau không?
Đau bụng khi hành kinh là do sự co thắt tử cung dưới tác động của những “ám khí” được tung ra từ các tổ chức bị phân hủy của tử cung, âm đạo (thành phần của dịch kinh) . Đáng ngại hơn đó có thể là “lời phi lộ” báo trước sự có mặt của các viêm nhiễm hoặc u bướu. Với chứng “chột dạ” thông thường do tử cung “làm mình làm mẩy” thì có thể vỗ yên nó bằng các loại thuốc giảm đau thông thường. Nếu thấy không xong phải đến bệnh viện làm xét nghiệm mới nhận mặt đích xác được kẻ giấu mặt nham hiểm là ai.
3. Bạn có tin nhắn
- Có dấu hiệu nào báo trước ngày nguyệt san đến để em biết mà chuẩn bị “Urgo” không . Em sợ bị đèn đỏ giữa đường thì ngượng chết?
Có vài “tin nhắn” báo trước là nguyệt san sẽ ghé tệ xá, nhưng hơi sớm và dễ nhầm (bắt đầu từ ngày rụng trứng), như tăng thân nhiệt chừng 0,5 0C , xuất hiện huyết trắng nhầy dính, khó ở, bứt rứt, nhạt miệng, quần áo có vẻ chật chội... Nếu thấy triệu chứng đó thì nên chuẩn bị vũ khí chiến đấu dần đi là vừa!
4. Thực như hổ vào
- Nên ăn gì trong kỳ nguyệt san để bù lại lượng máu đã mất? Nghe nói máu có độc phải không?
Những ngày kinh cơ thể bị “bội chi” khá nhiều vì vậy cứ áp dụng chế độ ăn như cho người ốm vậy, nghĩa là bồi dưỡng mạnh tay vào. Tuy nhiên “nợ khó đòi”nhiều nhất là mất chất sắt (Fe) vì vậy nên dùng nhiều thực phẩm chứa sắt như trứng, thịt, đậu, rau (có màu xanh đậm) nhất là tuỷ xương (sườn hầm hoặc nấu súp) hay có thể dùng ít viên sắt có bán ở nhà thuốc. Máu nguyệt san có lẫn nhiều “xác ướp” tế bào âm đạo và tử cung bị tróc ra nên sẽ là bữa đại tiệc thịnh soạn cho nhiều loại vi khuẩn đến phá cỗ.
5. Thừa cơ ám hại
- Hội chứng sốc độc là gì?
Khi dùng băng vệ sinh có độ thấm hút quá mạnh sẽ làm vạ lây những chất dịch “trú đóng” trong âm đạo có nhiệm vụ quan trọng là làm ẩm và chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn độc hại (đầu têu là Staphylococus aureus có khả năng gây nhiễm trùng toàn thân). Bị mất khả năng phòng vệ thì tam giác ẩn trở thành nơi “tự do oanh tạc” của lắm kẻ không nên mời vào nhà.
6. Dọn mình kỹ càng
- Giữ vệ sinh trong những ngày nguyệt san như thế nào?
Tăng cường vệ sinh hơn ngày thường nhưng chú ý tránh dùng những loại xà phòng nhiều kiềm, có thể dùng nước rửa phụ khoa bán ở các nhà thuốc (nếu không xài nước ấm, sạch cũng tốt rồi). Năng thay đổi nội y và băng vệ sinh. Lưu ý không nên tắm chậu hoặc bồn tắm vì “áp lực thủy tỉnh” có thể đẩy những chất bẩn ngược vào trong đó.
7. Những kẻ khó gần
- Em rất khó dùng băng vệ sinh vì mỗi lần đeo băng lại bị nổi mẩn, ngứa. Em phải làm sao bây giờ?
Có lẽ em bị dị ứng với chuyên gia chuyên thấm, hút đó rồi. Nên thay loại khác (trên thị trường có cả rừng “tên tuổi” để em chọn). Bằng không thì cứ quay lại với “truyền thống” đóng băng bằng vải sạch (nhờ mẹ cố vấn).
8. Bạn của con gái
- Tampon là gì? Con gái có nên dùng tampon không?
Là băng một loại băng vệ sinh dạng nút. Có lẽ em thắc mắc con gái chưa lập gia đình có dùng được không? Câu trả lời là dùng được, em ạ. Nhưng nó khó dùng hơn BVS thường nên phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
9. Chất thải
- Chất nhờn hay dính ở underwear là gì? Nó ở đâu ra và có tác dụng gì?
Đó là những chất nhờn được thải ra từ các thành phần có trong bộ sinh sản của em. Nhà ở lâu phải có tí “rác” ấy mà.
10. Dọn nhà đón khách
- Nhiều lúc trước ngày nguyệt san em ra rất nhiều chất nhờn, thậm chí có lần nguyệt san lỡ hẹn chỉ toàn chất nhờn. Em có bị làm sao không?
Đó là huyết trắng sinh lý (không có bệnh) thường xuất hiện vào ngày rụng trứng (giữa chu kỳ kinh), có khi rỉ rả đến sau nguyệt san vài ngày. Đây chỉ là các “xác ướp” của các tế bào âm đạo, cổ tử cung bong tróc ra (dưới tác động của nội tiết tố). Hãy hình dung vào giữa mỗi chu kỳ kinh, cơ thể em lại “dọn nhà” một lần nên thế nào cũng có vài thứ linh tinh cần vứt đi.
11. Xấu xí nhưng lương thiện
- Chất nhờn của em màu vàng hoặc màu hồng, có mùi tanh. Em có cần đi khám?
Không cần, đó là màu, mùi của huyết trắng sinh lý bình thường. Chỉ cần vệ sinh kỹ một chút là được.
12. Dầu nhờn
- Tại sao cứ mỗi lần ở gần hay nắm tay cậu bạn trai, em lại thấy mình ra chất nhờn? Em ngượng lắm. Em có bị làm sao không?
Chuyện “trong nhà đóng cửa bảo nhau” đâu ai biết mà em ngượng. Thật ra đó là “dầu nhờn” đuợc âm đạo tiết ra để bôi trơn chính mình nhằm tạo thuận lợi tối đa cho chàng “bạch mã hoàng tử” ghé thăm (nếu có). Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể, kiểu như con trai 12g vậy. Nhưng có lẽ vì cơ thể em quá nhạy cảm nên mới “gõ cửa” sơ sơ mà nó đã nhanh tay “đón đầu” rồi. Dần dà khi quen thì sự bôi trơn nhanh nhẩu này sẽ bớt “tài lanh” thôi em ạ.
13. Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
- Núi đôi (ngực) của em bị lệch, bên to bên nhỏ. Em phải làm thế nào cho nó cân dây?
Để san bằng sự mất cân đối “GDP”của đôi nhũ hoa chỉ có hai cách: hoặc "xóa đói giảm nghèo" cho bên nhỏ hơn bằng cách đặt túi độn silicon, hoặc truy thu "thuế thu nhập" bên khá giả hơn bằng cách rút bớt mỡ thừa ra thôi. Không tự tập tành được đâu. (CRT: Thực tế thì nhiều phụ nữ hai bên nhũ hoa không hề giống nhau, chỉ có điều chẳng mấy ai nói ra đó thôi! Đa số chấp nhận nó như một đặc điểm tự nhiên của mình!)
14. Nụ hàm tiếu thẹn thùng
- Đỉnh núi (nhũ hoa) của em tại sao lúc thì mềm, lúc lại cứng đơ và nổi rõ hẳn lên?
“Đỉnh Everest”sẽ thay đổi chút ít về chiều cao trong thời gian nguyệt san do sự nở lớn của các đầu ống dẫn sữa (đầu nhũ hoa là hai đầu mối cung cấp sữa mẹ độc quyền cho các em bé mà!). Ngoài ra “nụ hàm tiếu” cũng có thể cương lên tí chút nếu bị kích thích trực tiếp hoặc nhìn thấy những hình ảnh quá “hot”. Chuyện bình thường mà!
15. Chạy thử máy
- Đầu đỉnh núi của em thỉnh thoảng tiết ra một dịch trăng trắng. Nó là cái gì vậy?
Là sữa đấy!! Nhưng đây chỉ là sản phẩm “diễn tập” của hệ thống tạo sữa nhằm thu thập “kinh nghiệm” trước khi sản xuất đại trà để phục vụ em bé sau này.
16. Máy bán hàng tự động
- Những mụn nhỏ xung quanh đầu đỉnh núi có tác dụng gì thế? Nếu em nặn chúng thì có sao không?
Đó là những tuyến bã (còn gọi là hạt Montgomery) sẽ nở lớn lúc mang thai. Khi em bé có nhu cầu “ẩm thực” chạm môi vào, chúng sẽ báo cho nhũ hoa tiết sữa. Đồng thời chúng còn tiết ra mùi đặc trưng giúp các “thực khách” baby tìm đến đúng “nhà hàng“ của mình (đầu nhũ hoa).
17. Mỗi người một vẻ
- Tại sao màu sắc của đỉnh núi em và nhỏ bạn khác nhau, mặc dù bọn em đều trắng như nhau?
Mỗi người một vẻ em ạ! Nếu mọi bông hoa đều có màu giống hệt nhau thì cuộc đời đơn điệu quá phải không nào?
18. Còn hạn bảo hành
- Em 16 tuổi rồi mà vẫn “tivi màn hình phẳng”. Có cách nào khắc phục không?
Em vẫn còn hy vọng lấy “vé vớt” một, hai năm nữa để cải thiện “màn hình” của mình (thông thuờng sau 18 tuổi ở nữ thì “tài khoản” kích cỡ của nhũ hoa mới thực sự khóa).
19. Ở đâu có da, ở đó có mụn
- Em thỉnh thoảng bị nổi lên một cái mụn ở vùng tam giác ẩn, em chưa quan hệ tình dục bao giờ. Vậy em làm thế nào để hết mụn?
Em không quan hệ tình dục thì đương nhiên STDs đành “bó tay”với em. Mọi loại mụn đều đồng chủng ở mọi nơi trên da, vì vậy điều trị mụn trên mặt thế nào thì cứ “sao y bản chính” ở vùng nhạy cảm đó (nhưng chú ý đây là “vùng sâu, vùng xa” nên cần vệ sinh thường xuyên hơn).
20. Vườn quốc gia
- Có nên cạo rừng rậm (lông) ở tam giác ẩn không? Cạo có ảnh hưởng xấu gì không? Và tại sao lại có rừng rậm ở đó?
Làm mát, làm tấm đệm và làm điệu cho vị “VIP” bên dưới, đó là ba lý do để “vườn quốc gia” có mặt. Nếu chúng vẫn tươi tốt, khỏe mạnh thì không việc gì phải “tàn phá môi trường” em ạ.
21. Nhẹ tay, đồ dễ vỡ
- Vệ sinh vùng tam giác ẩn thế nào cho ổn? Em dùng xà phòng thường thấy bị xót, phải dùng loại nào?
Môi trường bên trong âm đạo rất dễ tổn thương vì vậy khi vệ sinh “đặc khu” này nên chọn loại xà phòng trung tính (không có chất kiềm). Thật ra “cẩn tắc vô áy náy” thì chỉ nên “tắm chay” bằng nước sạch.
22. Trời không mưa sao mặc áo mưa?
- Có nên sử dụng băng vệ sinh hàng ngày để giữ vệ sinh vùng tam giác ẩn?
Băng vệ sinh chỉ là “lao động thời vụ” nhằm giúp tam giác mật giữ sạch sẽ trong những ngày “đến hẹn lại lên” thôi em ạ. Nhàn cư vi bất thiện, việc dùng băng trường kỳ như em nghĩ sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường bên trong tử cấm thành đấy.
23. Chiếc rèm nhung tử cấm thành
- Màng trinh là gì? Nó nằm ở đâu? Nó có thể bị rách mặc dù không QHTD không? Có phải lần QHTD đầu tiên nào cũng chảy máu?
Màng trinh chỉ là lớp da mỏng (có ít mạch máu) chắn ngang “ngọ môn” tam giác ẩn và nằm hơi lui vào trong độ non đốt ngón tay. Màng trinh vô dụng về mặt sinh học nhưng có giá trị tinh thần kiểu “ngàn vàng khôn chuộc” về trinh tiết. Mọi “thích khách” lọt vào quá cự ly trên đều có thể xé rách màng trinh (do tò mò thám thính vùng cấm quá tay hoặc do “một mình”). Màng trinh cũng có thể bị giằng rách do té ngã xoạc chân (hiếm). Không phải lần đầu tiên QHTD nào, dù màng trinh đã rách, cũng “cáo phó” bằng vài giọt máu. Nên vì thế không thể lấy tiêu chí chảy máu để quyết định sự trinh tiết.
Bác sỹ Đỗ Minh Tuấn