Đã 3 năm rồi tôi chưa trở lại căn nhà trọ nơi ấy, nơi mà tôi mãi mãi, không bao giờ quên những gì mà tôi đã trải qua cho dù Thủy đã không còn ở nơi đó nữa... Ngày ấy tôi là một sinh viên tỉnh lẻ ngơ ngác đi khắp Sài Gòn tìm nhà trọ và số phận run ruổi tôi gõ cửa nhà Thủy. Mẹ Thủy, một người đàn bà phúc hậu, đã bằng lòng cho tôi ở lại với điều kiện im lặng và im lặng. Bởi vì như bà nói - đã quen với nó mười mấy năm rồi. Và bà không lấy 1 đồng tiền trọ.
Tôi đã sống với sự im lặng ngự trị. Hằng ngày bà ta từ tầng trên xuống đi chợ rồi lại trở về, thỉnh thoảng ném cho tôi một nụ cười đáp lễ, ngoài ra chỉ im lặng. Điều duy nhất mà tôi biết được là bà không sống một mình. Cứ mỗi lần từ trường về tôi thường bất chợt nhìn thấy bóng một người nép vội sau bức rèm cửa sổ tầng trên. Tôi cảm thấy hình như có ai đó đang theo dõi sự hiện diện của tôi. Một tháng trôi qua cuối cùng sự tò mò đã thắng, tôi buộc vi phạm luật im lặng.
Một buổi sáng, mẹ Thủy vừa đi chợ tôi liền lén lên tầng trên, chỉ có một căn phòng, cánh cửa đóng kín nhưng từ trong phát ra tiếng dương cầm. Tôi phải cố lắng nghe vì hình như chủ nhân cố tình giam những âm thanh trong 4 bức tường và sau cánh cửa đóng kín. Tôi quên mất thời gian cho nên khi giáp mặt với cái nhìn đầy trách móc, oán giận của mẹ Thủy, tôi chới với trong cảm giác phản bội.
Tôi tưởng mình sắp bị đuổi, nhưng rồi sự im lặng lại tiếp tục ngự trị. Mẹ Thủy vẫn ngày ngày đi ngang qua tôi nhưng bà cố tránh ánh mắt khẩn cầu của tôi. Cho đến một hôm, bất ngờ tôi bị một mảnh giấy vo tròn ném xuống lưng chính từ chiếc cửa sổ có bức rèm, khi tôi bước vào nhà:
"Cút đi! Anh đã xâm phạm sự yên tĩnh của tôi".
Nét chữ run rẩy, giận dữ của một cô gái. Bí mật của căn nhà lạnh lẽo này đã lên tiếng nhưng với những từ ngữ hằn học. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng điều đó không ngăn được ý định khám phá của tôi cho dù điều ấy có thể đẩy tôi ra vỉa hè.
"Tôi sẽ không đem đến cho cô sự thương hại, tôi biết cô đang có một bất hạnh, tôi không dám nhận vai trò xoa dịu nó, tôi chỉ xin đến với cô bằng tình bạn nếu cô bằng tuổi tôi. Những từ ngữ của cô vừa rồi chỉ để dùng cho những kẻ cô căm ghét, tôi không phải là kẻ cô căm ghét vì tôi cũng có nhiều bất hạnh".
Tôi đã nhét mảnh giấy ghi những dòng trên vào khe cửa tầng lầu. Hai hôm sau tôi nhận được một mảnh giấy trả lời:
"Tôi xin lỗi vì đã vô lễ, đáng ra tôi phải giả vờ từ chối, đúng thế: giả vờ! Bởi vì như thế mới tương xứng với sự thô lỗ của tôi vừa rồi. Anh là người đầu tiên không ném trả lại những gì mà anh đã nhận. Có lẽ anh nói đúng, anh không phải là người tôi căm ghét. Bất hạnh của anh ư? Tôi tưởng rằng thế giới đã hết khổ đau vì chúng đã được trao tặng hết cho tôi và xin vô lễ với anh lần nữa, tôi cấm anh biết những gì mà tôi đã gánh chịu. Nếu thế thì chúng ta sẽ là bạn của nhau. Có lẽ đã đến lúc tôi quá ghê sợ khi chỉ có một mình".
"Tôi đồng ý, mặc dù chúng ta đến với nhau từ những gai góc nhưng rồi tôi tin giữa chúng ta sẽ có sự đồng cảm? Không ai muốn nhắc đến khổ đau của mình, tôi cũng vậy. Tôi không ích kỷ đi chia sẽ bất hạnh của mình cho người khác. Hôm nay chúng ta sẽ là bạn của nhau (nếu mẹ cô không đuổi tôi). Mời bạn hãy nhìn xuống sân ở đó có một chậu hồng, một cành hồng tôi nhặt được ai vứt bên lề đường, tôi đã trồng nó vào chậu, tôi tin là nó sống và nó đã sống. Không có bất hạnh nào ngăn cản sự sống nếu nó muốn sống. Tôi bao giờ cũng muốn kết bạn với những ai phủ nhận số phận cho dù đó là một bông hoa".
Thế rồi ngày ngày tôi trò truyện với Thủy, ngày ngày bằng những mảnh giấy, bởi vì Thủy là một cô gái... câm!
Tôi đã bằng lòng trở thành người câm với Thủy, khi tôi ngồi cạnh Thủy bên chiếc dương cầm réo rắt, khi chúng tôi cùng nhau thò tay hứng lấy những giọt mưa đầu mùa bên cưả sổ, khi chúng tôi từng ngày chăm chút một chồi non, khi chúng tôi bẻ hết bút mực dể chỉ nói với nhau bằng ánh mắt... và rồi cùng với thời gian, tình yêu đã đến.
Một năm đã trôi qua, tình yêu của chúng tôi tròn 1 tuổi: "Bệnh câm cóthể chữa được nếu đó không phải tật bẩm sinh". Tôi như vớ được vàng, chúi đầu vào đống sách vở chuyên môn, ở đâu có là tôi tìm đến, nhưng cuối cùng tôi chợt hiểu với kiến thức một SV Y khoa năm thứ 2 như tôi sẽ không thay đổi được gì. Nhưng tôi đã có một cứu cánh. Đó là BS Hùng, một BS trẻ, giỏi đang hướng dẫn chúng tôi, anh đã có những nghiên cứu nổi tiếng về tật câm. Tôi liền giới thiệu Thủy với Hùng với hy vọng đem lại sự bình thường cho Thủy.
Hai tháng sau. Một buổi tối mẹ Thủy bỗng gọi tôi đến, tôi linh tính điều chẳng lành. Bà khóc:
- "Tôi rất biết ơn cậu, con Thủy như sống lại từ khi có cậu, nó cười, nó vui ngày nào là tôi sống thêm ngày ấy. Tôi tin cậu nên kể cho cậu nghe một câu chuyện: Hồi bé, Thủy là một bé gái dễ thương, nhìn gương mặt xinh đẹp cuả nó đâu ai ngờ nó sẽ gánh chịu một bất hạnh gớm ghê! Chồng tôi là một thương gia giàu có, đồng tiền đã đánh cắp lương tâm của ông ta. Ông ấy chơi bời trác táng đến nỗi mất hết cơ nghiệp. Thế rồi một đêm say rượu, ông đã xông vào phòng con gái mình lúc Thủy tròn 16 tuổi... Tôi chỉ kịp nghe môt tiếng thét chói tai giữa đêm khuya rồi ngất xỉu. Ông ấy nghe tiếng thét đã tỉnh rượu và tự tử. Con Thủy cũng không nói được từ ấy, nó đã nhiều lần muốn chết, nhưng nó sống, sống... sống vì tôi. Cậu hiểu cho cứ mỗi lần nhìn thấy con ú ớ thì những hình ảnh gớm guốc đó lại hiện về. Chỉ khi nào con gái tôi hết câm, hết câm... tôi mới nhắm mắt được...".
Bà ta lại khóc rồi nói tiếp:
- "Tha lỗi cho tôi! Khi chính tôi đã nhân danh người mẹ bắt nó ưng thuận, tôi biết nó không yêu ai hơn cậu, nhưng tôi đã vì tôi... vì tôi! BS Hùng đã xin cầu hôn với Ngọc Thủy và sẽ bảo lãnh nó sang Pháp chữa bệnh. Bố của Hùng là một giáo sư rất có tiếng tăm bên ấy... tôi, tôi... cậu hiểu cho, mong ước cả đời tôi!...".
Tôi hiểu và tôi đã bằng lòng. Tìm mọi cách để giúp Thủy, đó không phải là điều tôi tâm niệm từ lúc biết Thủy hay sao?
Ngày Ngọc Thủy lên máy bay tôi không có mặt, không phải vì nước mắt của Thủy trong những ngày cuối cùng bên tôi đã nhạt, không phải vì tôi không can đảm nhìn hạnh phúc của mình ra đi vĩnh viễn. Mà vì tôi hổ thẹn khi chính mình không giữ nổi hạnh phúc cuả mình.
Đỗ Minh Tuấn
( Truyện đăng báo MT, rất lâu, hồi sinh viên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét