02 tháng 10 2011

Chiếc còi của cụ ông


PN – Khách đến chơi nhà, ngạc nhiên nhìn thấy cụ thân sinh của gia chủ đeo một chiếc còi lủng lẳng trên ngực. Gia chủ giải thích: “Lỡ té ngã không ai hay, cụ có cái để kêu”. Khách cười gia chủ lo xa và có phần… bất kính, nhưng sau đó ít lâu, nửa đêm cụ ông té trong nhà tắm, nhờ thổi còi, người nhà nghe thấy kịp đưa cụ đi cấp cứu.
chiec coi cua cu ong Chiếc còi của cụ ôngNgười con được bác sĩ dặn theo dõi nước tiểu cụ bà có vấn đề về thận. Anh sắm hẳn một cái chậu thủy tinh làm bô. Người trong nhà thắc mắc cần gì phải sắm bô thủy tinh đắt tiền, dễ vỡ. Sau, nhờ phát hiện sớm ít vẩn cặn (khó nhìn thấy nếu là bô nhựa hay kim loại không trong suốt) mà anh kịp thời đưa bà đến bệnh viện điều trị suy thận.
Cô cháu gái mua cho bà nội một đôi dép đi trong nhà chống trơn trợt và nhờ quan sát độ mòn bất thường của đế dép mà cô nhờ bác sĩ phát hiện sớm chứng đau khớp và rối loạn tiền đình (gây mất thăng bằng, té ngã) của cụ…
Trên đây là vài ví dụ có vẻ giống chuyện Nhị thập tứ hiếu, nhưng chúng hoàn toàn khả thi trong cuộc sống, miễn là chủ nhân của những sáng kiến có lòng và có cách chăm sóc người thân yêu của mình.
Thời gian thường eo hẹp với hầu hết chúng ta. Không đủ thời gian làm việc mình muốn là đáng tiếc, trong đó có thời gian dành cho người già. Thực tế, không cần phải túc trực 24/24, bởi người già cũng cần không gian riêng.
Tuy vậy, người già lắm bệnh, nên riêng với sức khỏe, bằng cách này hay cách khác, con cháu nên dành quan tâm nhiều hơn. Một trong những cách “cái khó ló cái khôn” là nhờ chiếc còi, cái bô thủy tinh hay đôi dép đi trong nhà…
Có thể những công cụ trông buồn cười, nhưng không dở hơi tí nào, như cái còi là kẻ duy nhất có mặt thay ông cụ “la làng” lúc thập tử nhất sinh.
Hiển nhiên, phát kiến không chỉ có bấy nhiêu. Như đã nói, chỉ cần có lòng và có cách thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà “sáng chế” nghĩ ra những phương tiện nối dài tay mình trong việc chăm sóc sức khỏe người già.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét