Trẻ con ngày nay rất dễ phát phì. Không lạ câu than phiền cửa miệng của nhiều phụ huynh: “Sểnh một tí là thằng cu, cái tí lại lên cân”.
Hơi thừa nếu nhắc lại những công thức “biết rồi khổ lắm nói mãi”, ở đây chỉ bàn một số cách nghĩ và làm thái quá khiến phụ huynh phải chịu bại dưới tay béo phì. Cụ thể, trong các kế hoạch giúp trẻ, người lớn thường bỏ qua chính … “tiếng nói” của trẻ.
Trước tiên, béo phì cũng có năm bảy đường (dựa vào chỉ số BMI chẳng hạn). “Chụp mũ” oan một đứa trẻ mới ở hạng tăng cân hoặc dọa béo phì sẽ làm khổ đủ đường cho mọi bên. Không ít phụ huynh nhác thấy con tròn tròn một tí là áp ngay “chế độ thời chiến”, thậm chí bỏ qua cơ hội “phản biện” tối thiểu của trẻ là đặt trẻ… lên bàn cân.
“Được ăn những gì mình thích” là một thành tố của thiên đường tuổi thơ. (Ảnh minh họa).
Nhiều phụ huynh ám ảnh nặng câu “Một đứa trẻ béo phì sẽ là một người lớn béo phì” hoặc “con nít đã lên thì rất khó xuống (cân)” dẫn đến quá tay trong hành động.
Áp dụng công thức vàng “tiết thực + vận động” một cách cực đoan là lý do thất bại phổ biến khác. Nhiều phụ huynh dần đẩy tiết thực gần đến mức… tuyệt thực với trẻ, ít ra với chất ngọt, chất béo. Nhiều trẻ chịu khổ vì bố mẹ mắc… bệnh thành tích, so với con hàng xóm chẳng hạn. Đứa trẻ ăn nhiều không phải là đứa trẻ có tội - tạo hóa đang xui nó “tích cốc phòng cơ”. Trẻ tròn trĩnh không phải là trẻ có lỗi - đó là một dấu hiệu của sự khỏe mạnh.
Ở cực khác, lắm phụ huynh lại áp đặt lên trẻ một chế độ vận động quá cỡ. Nhiều trẻ sốc khi bị chuyển từ chế độ “tĩnh” sang “động” quá đột ngột, dẫn đến phản ứng tiêu cực như đối phó, chống đối. Nhiều cô, cậu mặt nhăn mày nhó sáng đi bơi, chiều Vovinam, tối mắt mở không lên lại bị bố mẹ cấm… ngủ sớm.
Rõ ràng, chống béo phì kiểu cực đoan sớm muộn cũng thất bại. Trẻ không phải là người lớn thu nhỏ, chúng sẽ có trăm phương nghìn kế làm hỏng những kế hoạch “chuyên chế”. Nên nhớ, sau kiêng khem thất bại, cơ thể trẻ sẽ quay lại chế độ ăn gấp đôi gấp ba, bù lại thời “thiếu đói”. Qua nhiều lần bắt cóc bỏ đĩa, cơ thể trẻ sẽ bị lờn và loại béo phì “kháng thuốc” này trở nên bất trị.
“Được ăn những gì mình thích” là một thành tố của thiên đường tuổi thơ. Không nên làm hỏng cảnh “bồng lai” này của trẻ bằng việc cấm đoán quá tay hay cố tình… “bêu xấu” một số “ưu vật” thời hoa niên như bánh ngọt, kẹo mút, sôcôla, chè, kem…
Rốt lại, nhiều cuộc “kháng chiến” chống béo phì cho trẻ thất bại là do chính thái độ của các bậc cha mẹ. Hãy giành một “ghế” cho trẻ trong mọi cuộc bàn thảo, lên chương trình, dù cách này mất thời gian và nhiêu khê, nhưng chậm mà chắc; “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét