- Mắt làm việc giống máy chụp hình, trong đó võng mạc (VM) gồm hai lớp có vai trò như tấm phim (màn nhạy sáng), nhận và chuyển tín hiệu qua thần kinh thị giác đến não “tráng, rọi, in” ảnh tức khắc . Nếu không may có một vết rách ở lớp ngoài VM thì qua chỗ “chọc khe” này dịch thủy tinh sẽ tràn vào và tách dần hai lớp VM ra gọi là bong VM (hình dung nhãn cầu như... quả dừa khô thì VM là nửa phần cơm dừa, còn dịch thủy tinh là nước dừa).
Triệu chứng sớm của bong VM thường là hiện tượng “ruồi bay” hoặc có một đám bụi “vân cẩu” lởn vởn xê dịch theo mắt (nhắm thì mất); xuất hiện chớp lóe “đèn flash”; nặng hơn là mắt bị “nhật thực” (nhìn vật giống như màn ảnh chiếu bóng bị che mất một phần bởi bóng đen từ cái đầu của một khán giả nào đó nhô lên). Đây là một ca nặng có thể mù lòa nên cần nhanh chân đến bệnh viện chuyên khoa để vá vết rách và “dán” lại hai lớp VM.
Cận thị nặng là một trong những yếu tố nguy cơ dễ gây bong VM. Lý do nhãn cầu ở người cận thị có kích thước trước sau dài hơn bình thường, tức chúng có dạng hơi thuôn (giống như kéo nhẹ hai đầu của quả bóng hơi) nên VM có xu hướng bị ép khum, oằn lại. Lực cánh cung này khiến VM dễ bị tổn thương, chuyện bé xé ra to khi có tác động mạnh.
Vì vậy, longtinh@ thân mến, với những ai nhìn đời qua hai chiếc “kính zoom” nặng như em người ta khuyên nên cẩn thận tránh những động tác (lao động, thể thao...) nặng, đột ngột vì sự dằn xóc có thể mở đường cho một vết rách nào đó trên VM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét