Với chúng tôi, đám học trò lớp 8 ở một trường THCS tỉnh lẻ thời đó thì điều được ưa thích để tận dụng dịp “tự do” hiếm có ấy là... đi bơi. Tiếng là học trò vùng sông nước nhưng đa phần đám “thị dân” chúng tôi chẳng mấy đứa biết bơi, nên tắm sông vừa là thú vui hữu hảo vừa là cơ hội “xóa mù” bơi lội.
Lần đó, đúng tiết cuối môn Sử, chúng tôi được thông báo “xả trại”. Cả bọn lập tức gói ghém nhắm Ao Thiếc trực chỉ. Ao Thiếc là tên gọi của tổ hợp 5 cái ao lớn dùng làm nguồn thủy cục cho thị trấn và là “đường đua xanh” của các thế hệ học trò chúng tôi.
Vấn đề là chúng tôi bị cấm bén mảng đến vì năm nào cũng có người chết đuối. Bất kì đứa trẻ nào bị phát hiện thò chân xuống Ao Thiếc xem như ốm đòn. Do vậy việc đi bơi của chúng tôi luôn phải thực hiện với phong thái bí mật và bảo mật đặc biệt. Một trong những cách tạo “chứng cứ ngoại phạm” là giữ cho quần áo khô ráo mà cách duy nhất là… tắm truồng.
Lần đó, kế hoạch xóa chứng cứ được thực hiện như thường lệ. Cả bọn trút bỏ xiêm y, gom áo quần thành đống để trên bờ, mình trần như nhộng ào xuống nước…
Không như mọi lần, tai ương ập xuống đầu chúng tôi. Một đám trẻ địa phương không biết ngứa mắt thế nào, lại chơi ngặt: tổ chức… cướp áo quần của bọn tôi. Gọi là cướp, thật ra chúng ngang nhiên, trắng trợn và đủng đỉnh lượm từng cái áo, chiếc quần ngay trước mũi bọn tôi mà không lo có nạn nhân nào đủ can đảm ... xông lên giằng lại.
Mải 30 phút, khi “bọn cướp” đi mất, đã chắc chúng không đùa, thì bầu không khí hoảng loạn mới thực sự bao trùm chúng tôi. Thảm cảnh xám xịt bày ra trước mắt chúng tôi: trần truồng về nhà và ăn làm sao nói làm sao với phụ huynh về việc... trốn học tắm ao và… không còn gì để mặc.
Vài đưa bắt đầu rơm rớm nước mắt. Trước tình cảnh ngặt nghèo, chúng tôi châu đầu bàn bạc. Cuối cùng cả bọn đi đến kế sách dựa vào may mắn: nhờ đứa duy nhất còn “kín đáo” (còn mặc quần đùi khi tắm) mở đường máu lên bờ, chạy về nhà, quơ càng nhiều càng tốt bất cứ gì có thể… che thân.
Không dễ tìm đủ trang phục cho gần hai chục mạng nên chúng tôi đành bằng lòng với kiểu che thân chủ yếu phần “hạ lưu”. Xong xuôi, cả đám thất thểu ai về nhà nấy, với ánh mắt động viên “lành ít dữ nhiều”.Nhờ nhanh tay, tôi kiếm được một chiếc quần đùi, hơi tả tơi và bốc mùi, nhưng chẳng mong đợi gì hơn. Suốt đường về, với bộ dạng tay ôm cặp, mình… đóng khố, tôi mường tượng viễn cảnh đen tối đang chờ mình.
Từ xa, tôi nhận ra ngay bóng ba tôi lo lắng ra tận đầu xóm. Hồi đó bé dại, trong đầu tôi chỉ quanh quẩn suy nghĩ làm sao “qua khỏi con trăng”, nên không nhìn thấy vẻ phiền muộn đến méo xệch của ba tôi:ông đã biết tôi từ Ao Thiếc trở về.
Sau đó, tôi nhận một trận “chổi lông gà” ra trò. Và cũng từ ấy, tôi vĩnh biệt luôn thú vui sông nước, tuy rằng đám bạn tôi vẫn còn tổ chức nhiều trận “tắm truồng” nữa, tất nhiên rút kinh nghiệm xương máu: cắt đặt đứa giữ đồ hẳn hòi.
Rủi có may, nhờ những lần đi bơi thậm thọt như thế mà tôi cơ bản… biết bơi. Bây giờ lớn khôn, mỗi lần về quê, ngang qua Ao Thiếc (hiện bị lấp gần hết), tôi lại bồi hồi nhớ lại kỉ niệm “tắm truồng” xưa, và nhớ cả dáng âu lo, cháy ruột của bậc sinh thành đứng ở đầu đường chờ đứa con nghịch dại trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét