08 tháng 2 2012

“Ống nhổ” đặt ở bên trong

Ong nho dat o ben trong

 

+ Em thấy ngoài đường, thậm chí trên xe buýt có nhiều người hay khạc nhổ bừa bãi. Có phải họ có vấn đề gì đó về nước bọt không ạ? peterpan@...)
- Nước bọt chứa men tiêu hóa và chất kháng khuẩn nên cùng với động tác nhai chúng có vai trò như khâu sơ chế và kiểm dịch sớm thức ăn. Nước bọt được tiết khi ta ăn thật hoặc “ăn nhép” như nhai kẹo cao su và... khi nói nhiều.
Nước bọt còn “đi tắt đón đầu” ngay từ những lời “phi lộ” hấp dẫn của thức ăn qua mùi vị hoặc chỉ cần liên tưởng đến, trong đó hẳn ai cũng rõ vị chua là gã “Don Juan” quyến rũ nhất.
Một số bệnh, ngộ độc, thuốc, rượu cũng gây cường tiết nước bọt (động kinh, thuốc rầy, nấm độc, rắn cắn... hay gây sùi bọt mép). Nước bọt do ba cặp tuyến đặt ở mang tai, dưới lưỡi và hàm dưới sản xuất, mỗi ngày chúng tiết ra chừng 1.000 - 1.500ml sản phẩm.
Tóm lại nước bọt tự thân nó có vị trí quan trọng cỡ “khâm sai đại thần” của hệ tiêu hóa và hoàn toàn không phải là một sản phẩm bài tiết nên cơ thể không hề có ý định phung phí, trái lại còn “tái sử dụng”.
Do vậy ai đó có tật khạc nhổ bừa bãi ngoài đường không có “bệnh” nào khác ngoài “tật” kém ý thức, làm xấu mặt cộng đồng, thiếu tôn trọng môi trường, chưa nói đây là nguồn phát tán bệnh truyền nhiễm như cúm, quai bị, SARS, lao (hòa đàm nhớt)...
Ngoài ra một bãi nước bọt bay vèo trước mặt ai đó dễ có nguy cơ dẫn đến “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” nếu bị hiểu lầm là một lời... thóa mạ.
Peterpan@ thân mến, cần phải hiểu rằng người ta có thể xây thêm nhiều WC công cộng để hạn chế bệnh “đái đường” nhưng không thể đặt hàng vạn cái... ống nhổ khắp nơi được.
BS ÐỖ MINH TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét