28 tháng 9 2011

Sau sinh, gian truân nào đã hết

PNCN - Sau khi con ra đời, bên cạnh niềm vui vô bờ bến bên thiên thần nhỏ, tình cảnh của hai đấng sinh thành xem ra chưa hết gian truân, nếu không nói đây là thời điểm dễ tổn thương của họ. 

Đảo lộn dưới "triều đại" mới
Sự đăng quang của vị "hoàng đế" còn mặc tã hẳn kéo theo lắm đảo lộn. Mọi sinh hoạt gia đình gần như chỉ xoay vòng quanh "ngai vàng". Chuyện tã, sữa, bú mớm, chiều cao, cân nặng… tuy đã nhức đầu nhưng còn khỏe chán so với lúc phải lo âu, thức trắng vì "ngài" sốt cao, ban đỏ, ban trắng…
Tin vui đã đến với vợ anh T.D. (Q.9, TP.HCM) khi chị cấn bầu. Anh làm công chức, chị buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, sau sinh lại là thời gian dài khốn khó vừa chăm con vừa "nghỉ mất sức" của chị vì thai kỳ gặp trở ngại và đứa bé sinh thiếu tháng nên bệnh như cơm bữa. Kinh tế "hẫng" mất một chân, đồng lương của anh vốn chẳng là bao, nay phải gánh thêm tiền sữa, tiền thuốc của con. Túng quá, họ đành muối mặt xin tài trợ nội, ngoại, điều mà anh T.D. rất dị ứng. Từ đó, anh trở nên buồn phiền, về nhà hết thở dài sườn sượt lại kiếm cớ trách vợ "đẻ cũng không xong!". Không khí gia đình  lúc nào cũng nặng nề.
Cơn trầm cảm của bàn tay đưa nôi
Ta thường nghe chứng trầm cảm sau sinh mà theo các bác sĩ khó truy nguyên đích xác bởi nó là sản phẩm của cả "gói nguyên cớ" hữu hình và vô hình, đã và đang bủa vây bà mẹ.
Đơn cử, trong số bà mẹ sầu uất, có nhiều cựu sản phụ vừa trải qua thai kỳ nặng nhọc hoặc cuộc lâm bồn thập tử nhất sinh. Một thủ phạm gây trầm cảm kinh điển khác là nỗi thất vọng sinh con… không theo ý muốn, mong "văn" mà hóa ra "thị".
Nhiều cô gái con nhà khuê các đã bỏ qua thời kỳ quá độ, tiến thẳng lên vị thế làm mẹ thường vướng phải "ám sợ" không đảm nổi việc nuôi con. Vừa tốt nghiệp lớp 12, T. Tr. (Cà Mau) đã vội lên xe hoa. Con nhà khá giả, lâu nay không hề động móng tay việc gì nên cô rất vất vả khi nấu nướng, chăm sóc chồng mà vẫn "đụng đâu bể đó". Sau sinh, tình hình còn bi đát hơn, đến việc cho con bú, bà mẹ trẻ cũng phải nhờ hết mẹ chồng đến chị hàng xóm chỉ bảo mà vẫn trật vuột. Một lần, cô vô ý để đứa trẻ mút sữa quá nhanh khiến bé sặc sụa một trận suýt ngưng thở. Anh chồng hãi quá, quyết nghỉ làm không lương để ở nhà giúp vợ…
Cục lo đôi khi mang tên cơm áo gạo tiền: lo con ăn không đủ no mặc không đủ ấm, lo sữa của con không đủ dưỡng chất thông minh, cao lớn sáng tương lai… Nhiều bà mẹ trẻ vừa "ầu ơ con ngủ cho ngon" vừa lo ngay ngáy kỳ sinh đã tàn phá... đường cong của mình thế nào và suy diễn: "ai biết được, vì cái cớ sồ sề của mình mà ổng chẳng đang rắp ranh ôm cầm sang bến khác?".
Nỗi niềm "phế đế"
Hạnh phúc làm cha dâng tràn, nhưng gánh nặng gia đình thời hậu sản vẫn dư sức làm hẫng chân nhiều cây tùng, cây bách.
Sau cuộc binh biến, không ít ông nhận ra mình rơi tự do từ vị thế rường cột xuống hàng "phế đế". Có những bà mẹ dốc trọn tâm tư vào cục cưng đến độ biến chồng thành "lai vô ảnh, khứ vô hình". Đức ông chồng có thể đôi ba lần thể tất việc vợ bận chăm con mà trễ nải nấu nướng, nhưng nếu thực đơn mì gói hay cảnh "tha hương cầu thực" cơm hàng quán chợ diễn ra quá thường xuyên thì không chắc Thái Sơn còn giữ được bình tĩnh.
Bạn bè lấy làm lạ vì từ khi vợ sinh, anh V.C. (Đồng Tháp) trông bệ rạc đến độ bị ghẹo "trai một con trông… rầu con mắt". Hỏi mới biết anh buồn vì bị vợ… quên bẵng sự tồn tại của mình. Kinh tế khá, vợ lại là "máy chủ" kiếm tiền nên cô sẵn sàng chi đậm  mời bác sĩ về nhà chăm sóc mẹ và bé. Trong  nhà có đến hai Osin, một làm việc nhà, một giúp bà chủ chăm "thiếu gia". Trong không khí lăng xăng đó, anh  nhận ra không có chỗ cho mình, đến việc nựng con cũng bị vợ nhắc: "Nhẹ tay kẻo… đau con".
Sóng gió uyên ương phòng
Một đối tượng rất dễ dính đòn dưới sự trị vì của "quân vương" mới: chuyện ấy  của "thái thượng hoàng" và "hoàng thái hậu". Lắm ông phải ngậm ngùi cảnh "chịu ơn mưa móc" của vợ trên giường bởi người chung chăn đã gửi hồn lẫn xác sang niềm vui mới.
Nhiều phụ huynh thú thật họ chẳng lòng dạ vầy cuộc yến oanh bên cạnh con yêu đang yên giấc. Hậu quả có thể tệ hơn, nhiều lần bị bà suỵt khẽ "nhẹ tay cho con ngủ!" nhiều ông chồng đành ngậm ngùi nhìn hứng khởi của mình "bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ".
Chồng của cô Ng.H. (Cần Thơ) sẵn sàng bỏ tiền sắm máy báo động hay lắp camera theo dõi đặt trong phòng con, miễn là vợ đồng ý đưa nôi cục cưng bốn tháng tuổi sang phòng khác, trả lại không khí phòng the cho hai vợ chồng. Cô Ng.H. lại kịch liệt phản đối vì không rời được con và còn trách cứ chồng ham hố giường chiếu. Cuối cùng, anh chỉ còn chọn cách đánh "du kích": đợi nửa đêm mới dám khều vợ dậy, thời điểm mà bà mẹ trẻ an tâm không làm kinh động giấc ngủ cục vàng nhất.
Nhiều phụ nữ sau sinh và cho con bú phải chịu một khoảng thời gian trống vắng dục tình đến khi sự cân bằng hormone tái lập, chưa nói, sự cho phép tâm lý, có khi kéo dài nhiều tháng. Nghĩa là ý trời buộc nhiều ông chồng không chỉ chăn đơn gối chiếc chín tháng mười ngày mà còn phải đợi thêm ít tuần, ít tháng vò võ nữa.
Nhịn thì phải cồn cào, nhưng hễ lân la lại gần thì lắm khi ý nguyện không thành mà nhiều ông phải xơi nguyên bài cằn nhằn "lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem" nhức xương từ hiền nội. Nhiều ông kềm lòng không đặng ra ngoài tìm hơi ấm khác, đợi bếp nhà đỏ lửa trở lại. Mấy ông lòng dạ son sắc thì không chắc kiềm được bức bối rồi trút bực bội lên vợ, thậm chí lên thiên thần nhỏ như kẻ… chia uyên rẽ thúy.
Trước cái khổ của chồng, nhiều cô phải đành diễn cảnh hồ hởi chăn chiếu, trước đẹp lòng lang quân, sau giữ gìn giềng mối gia đình. Những phụ nữ hy sinh vì nghĩa này có khi  phải chịu đau đớn bởi "hạ tầng" tình dục của họ chưa phục hồi, chẳng hạn vết cắt tầng sinh môn chưa thành sẹo. 
Tình dục thời hậu sản lắm khi trầy trật vì những nguyên cớ "đỡ không nổi". Có cô sau thai kỳ nặng nhọc bỗng sinh… mất cảm tình với tình dục - kẻ chủ mưu. Có ông chứng kiến kỳ bầu bì khổ sở của vợ tự cảm thấy mình… có lỗi nên tự giác lảng tránh phòng the. Có ông được bác sĩ cho vào tận phòng sinh mục kích cơn lâm bồn kinh sợ của vợ, sốc nặng, hễ nghĩ đến tình dục là nổi da gà.
Ai cũng biết, từ lâu lan truyền trong giới bà bầu thông tin về sự giãn nở âm đạo sau sinh, làm thất thoát khoái cảm cho đôi bên. Điều này không chỉ mất mát "vật chất" mà sâu xa còn liên quan đến viễn cảnh đen tối: ông chồng thất thu nên tìm nơi bù đắp ngoài vòng tay vợ. Để tự cứu, nhiều cô sẵn lòng nhờ tay dao kéo của bác sĩ thẩm mỹ hay nỗ lực với bài tập Kegel thu hẹp cửa mình.
Sau sinh, B.Q. (TP.HCM) vì nỗi lo "thun giãn" mà hằng ngày quyết liệt cực "bế quan", miệt mài tập Kegel. Mất vài tháng khổ luyện, cô quyết định "hạ sơn". Trong đêm đầu "nghiệm thu", cô ướm hỏi thì bất ngờ được chồng cho biết: anh biết tỏng lâu nay vợ khổ luyện nhưng kết quả chuyện ấy, theo anh, so với trước… chẳng có gì khác!
Tình và nghĩa đãi nhau

Có thể nhận ra, trong danh sách những kẻ "làm khó" gia đình thời hậu sản có cái trời sinh nhưng cũng có cái do người trong cuộc tự làm rối. Đơn cử, tình cảnh "công dân hạng hai" của nhiều ông chồng lắm khi do lỗi bà vợ quá đề cao thiên chức làm mẹ mà quên chức trách người "nâng khăn sửa túi". Sự khó ở còn xuất phát từ việc do hai bên không biết sắp xếp để mớ bòng bong đỡ rối. Người ta khuyên, dù đầu tắt mặt tối thế nào, các cô vẫn có thể tìm ra và "nhín chút thời gian" cho chồng, cho mình.
Đến lượt các ông chồng làm bảng tự phê. Có không ít ông bố, thay vì san sẻ, có khi chỉ chút ghé vai tinh thần với vợ, lại chất hết việc chăm con lớn nhỏ lên vai vợ. Với gối chăn cũng thế. Như đã nói, phụ nữ sau sinh thường "tắt lửa lòng" một thời gian. Hiểu được "ý trời" không chỉ giúp các cô đỡ áy náy mà các ông cũng dịu lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét