MỞ CỬA PHÒNG THE SAU SINH
Sau khi thiên thần nhỏ ra đời, một trong những việc mà phụ nữ nghĩ đến là tái hồi chuyện gối chăn. Tất nhiên thời gian, điều kiện chín muồi, kể cả sự cho phép về mặt sinh lý (cho con bú, phục hồi kinh nguyệt) mỗi người mỗi vẻ, dài ngắn khác nhau. Có cô bắt đầu ngay khi có thể nhưng cũng lắm cô bắt ông xã phải đợi thêm một thời gian đằng đẳng sau đó. Mọi việc đều cần chuẩn bị, tái hồi chăn gối cũng vậy, thậm chí cần hơn bởi sau một thời gian “vắng bóng” khá dài sự trở lại bao giờ cũng khó khăn.
1. Chu tất việc “tề gia”. Trước tiên ông bà cần phải chu tất việc “tề gia”, nếu không sự phân tâm, lo ra hoàn toàn có thể phá hỏng mọi kế hoạch trở lại kỳ công nhất. Chỉ với việc sắp xếp vị trí chiếc nôi của cục cưng cũng đủ làm đau đầu hai người lớn muốn dành riêng tư cho cả mình và con. Tất nhiên khó có được một chiếc thảm đỏ hoàn hảo ngay nên phần lớn đôi vợ chồng đều chấp nhận chín bỏ làm mười.
2. Quẳng bớt gánh lo. Tạm xong yếu tố “cơ học” thì đến lượt tâm lý của các bà các cô và việc trước tiên là quẳng bớt những gánh lo không tên. Nhiều quý bà quý cô cô sau sinh hay bị ám ảnh nặng về sự xuống dốc “tòa thiên nhiên”, về “bụng dạ” của đức ông chồng, và nhất cái lo giãn nở âm đạo gây thiệt hại khoái cảm cho bà lẫn ông.
Hòn chì nặng trĩu này có phần lỗi… thổi phồng của các phương tiện truyền thông, nhất là các hãng “thông tấn xóm phường” của chị em. Thực tế cho thấy thất thoát cảm giác chăn chiếu do giãn rộng uyên ương phòng chỉ thật sự được nhận ra trên “lâm sàng” ở những sản phụ sinh khó, sinh con to, nhất là có can thiệp sản khoa mạnh tay. Những trường hợp mẹ con vuông bình thường thì mức độ hao hụt hầu như không đáng kể, hoặc có nhưng hoàn toàn có thể nhắm mắt cho qua mà không ảnh hưởng lớn đến toàn cục.
Nên nhớ ngay cả khi “son rỗi” thì không phải lúc nào món quà chăn gối cũng đủ đầy, do vậy không lý gì phải thành kiến, chụp mũ quá đáng thiệt hại từ vài giọt nước rơi vãi khỏi bát nước đầy. Thậm chí sự lo lắng thái quá có thể “ám thị” nạn nhân biến giả thành thật. Không ít phụ nữ hễ lên giường là lợn cợn trong đầu ý nghĩ chuyện ấy không còn như xưa hay tự tưởng tượng diễn giải nỗi thất vọng của đức ông chồng.
3. Vượt qua chứng trầm cảm sau sinh. Cái đáng lo là là chứng trầm cảm sau sinh ở nhiều phụ nữ. Nhiều thủ phạm được lôi ra nhưng đa phần chúng đến từ một phép cộng của nhiều kẻ cơ hội. Dù thế nào thì cơn sa sút tinh thần này khá đáng ngại nếu không được can thiệp, bởi dẳng dai chúng có thể đưa bà mẹ vào viện tâm thần. Hiển nhiên khi đã sa vào trầm cảm thì việc quay lại với chăn gối xem như viển vông.
4. Xốc lại lại “cơ sở hạ tầng”. An định tinh thần xong các bà các cô còn phải tính đến việc xốc lại lại “cơ sở hạ tầng”. Sau một thời gian “hưu binh” có thể âm đạo, vùng hội âm, vẫn còn trong trạng thái trờ ỳ bất hợp tác và thiếu chất nhờn bôi trơn. Lúc này có thể các bà các cô phải cần đến vài trợ giúp chẳng hạn bài tập Kegel (giúp phục hồi độ co nhóm cơ đáy chậu) hay dùng chất nhờ nhân tạo chữa cháy.
5. Chăm sóc cơ thể. Sự chăm sóc tổng thể cũng rất cấn thiết. Không phải phụ nữ nào cũng có được lợi thế “gái một con” nên việc tìm lại lực hấp dẫn là việc cần kíp. Nhiều cô sau chín tháng muời ngày dành trọn trí và lực cho thiên thần nhỏ đã quen với nếp trâm biếng cài lược biếng chải, sẽ cần nhiều thời gian quay lại trước trang điểm hơn. Hiển nhiên tổ chức lại “phương tiện nghe nhìn” chưa đủ, các bà các cô còn phải vận dụng tốt nhiệt lượng của chúng trong việc “rã đông” ham muốn chăn gối của đức lang quân. Thực tế không phải ông chồng nào cũng tinh ý nhận ra ngay tín hiệu “đèn xanh” của vợ hoặc chính quý bà quý cô gặp lúng túng với việc gửi dấu hiệu thông đường.
6. Đức lang quân cũng khởi động. Chăn gối là việc của hai người, nếu bạn chỉ sắm sửa cho một chiếc đũa mà quên chiếc kia thì chắc chắc bạn không gắp được miếng nào. Rõ ràng trong đợt “im tiếng súng” dài hơi chờ sinh nở thì đàn ông cũng là nạn nhân “túng thiếu” chăn gối không kém các bà các cô. Tuy nhiều đôi uyên ương vẫn tranh thủ lúc có thai nhưng phần lớn phải đợi việc đó sau sinh.
Phái mạnh cũng có vấn đề tâm lý của phái mạnh, thậm chí với vài trường hợp thì tinh thần các ông mới mong manh dễ vỡ hơn vợ. Thực tế khá nhiều thất bại tái hồi chăn gối đến từ các ông chồng. Chẳng hạn nhiều ông chồng sau khi chứng kiến cuộc cưu mang, sinh hạ quá khó nhọc của vợ nhà đâm ra cảm thấy… có lỗi với vai trò đồng tác giả rồi lạnh nhạt luôn với gối chăn. Thực tế từng có việc những ông chồng được phéo vào tận phòng sinh, tận mắt mục kích cảnh máu me, la hét, đôi khi cả tính xấu khi lâm bồn của vợ, hãi quá mà sinh lãnh cảm luôn. Đơn giản hơn có ông bất hợp tác vì kiêng khem rong thời gian quá dài đâm “quên bài” hay bất bình việc bị vợ xếp vào nhóm “công dân hạng hai” trong gia đình. Nhiều ông chậm chí vì mê con nên chẳng thiết tha vì với việc quay lại với bà nhà.
Với nhiều đôi uyên ương sự “trở lại” khá nhẹ nhàng nhưng lắm đôi khác lại khá nhọc nhằn, nhưng dù thế nào sự chuẩn bị không bao giờ thừa. Sau cùng có thể chính sự giãn nở “cửa mình” sau sinh là đầu têu rắc rối, nhưng trước khi đưa nó ra “vành móng ngựa”, người ta khuyên các bà các cô nên chịu khó rà soát tất cả yếu tố trên, chừng nào đã thử tháo gỡ mà việc không chạy rồi hãy tính đến việc lên bàn mổ.
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn/Webtretho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét