TT - * Em không lúc nào rời chú cún con cả khi ăn, ngủ; bố mẹ thường mắng là... ở bẩn. Em đã tắm rửa nó sạch từ đầu đến chân thì sao lại ngại chứ? (mimi@…)
- Một chú cún sạch như lau vẫn ẩn tàng nhiều mối lo: bệnh dại, mấy chú ve, dị ứng lông và cả giun. Nhìn em “keo sơn” với cục cưng như thế người lớn lo là phải. Ký sinh trong ruột chó con là họ giun đũa Toxocara canis, chúng đẻ trứng rồi theo phân ra ngoài phát tán.
Lây nhiễm T.canis là chuyện nội bộ của họ nhà cẩu, nhưng việc con người vô tình vớ phải của nợ không phải là hiếm. Trứng và ấu trùng giun khi lọt vào cơ thể người sẽ thực hiện một “open tour” (tua mở) khá dài hơi: ruột, gan, phổi, tụy, tim, có khi lên tận... mắt và não.
Tùy nơi chúng ghé trên đường tha hương mà triệu chứng có thể là sốt, rối loạn tiêu hóa, ho, khó thở, nổi mẩn đỏ, nguy hiểm nhất là u võng mạc mắt, kinh giật, viêm não, màng não... Dù tung tẩy thế nào, sớm muộn T.canis cũng phải bỏ thây nơi “đất khách” vì cơ thể người không phải là ký chủ thích hợp.
T.canis thường chỉ xuất hiện ở chó con. Ở người, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của giun hơn nhưng đôi khi người lớn cũng bị, nhất là với mấy cô gái trẻ luôn tay ẵm bồng, lúc ăn thì chị một miếng cưng một miếng. Nếu phát hiện các triệu chứng trên mà nạn nhân có “tiền sử” dính như sam với mấy chú cún thì nên đến bệnh viện điều trị ngay.
Mimi@ thân mến, có lẽ buộc phải hạ nhiệt bớt chứng “nghiện”cún con của mình vậy. Cách nào? Nựng nịu xong nên rửa tay kỹ và đôi ba tháng xổ giun cho cục cưng lẫn... chủ nó một lần.