PN - Khi gặp vấn đề sức khỏe, có người “sống để dạ chết mang theo”, nhưng cũng có người sẵn lòng bộc bạch. Người ta giấu bệnh vì ngại xấu, vì công việc hay không muốn kể lể. Người “ruột để ngoài da” thường chia sẻ vì muốn tìm sự động viên, đồng bệnh tương lân, giúp nhau kiếm thầy, tìm thuốc…
Với bệnh tật, “hướng nội” hay hay “hướng ngoại” đều có cái được và chưa được.
Bộc bạch giúp người bệnh có cơ hội nhận được sự hỗ trợ tinh thần. Chỉ việc phát hiện khối người đồng bệnh đủ giúp người bệnh khuây khỏa. Những gương lành vượt qua bệnh tật là động lực, nguồn lạc quan quý báu cho người bệnh… Mọi lợi điểm trên không thể có nếu “đương sự” kín như bưng.
Đừng coi nhẹ liệu pháp tinh thần nhờ san sẻ này. Có khi bà hàng xóm “bụng Bồ tát”, dốt chữ nhưng lợi khẩu, có công giúp bệnh nhân bình phục không kém ông bác sĩ mũ cao áo dài.
Bày tỏ còn giúp người bệnh làm sáng tỏ “bệnh án” của mình, chẳng hạn nhờ tham khảo người đồng cảnh mà nhiều người vỡ lẽ bệnh tình của mình không đến nỗi “thầy chạy, bác sĩ chê”.
Tuy vậy, gặp ai cũng kể sẽ khiến người bệnh dễ đưa mình vào thế “đẽo cày giữa đường” với nhiều lời khuyên, nhiều cách chữa bệnh. Tai hại nhất nếu trong số đó có vài mách nước thiếu cơ sở y học. Có bệnh vái tứ phương, tâm lý đám đông rất dễ phát tác trong lĩnh vực sức khỏe.
Các bác sĩ đều khuyên người bệnh chịu khó cởi mở. Hiển nhiên có những nỗi niềm không dễ giãi bày. Trường hợp này, người bệnh vẫn còn một giải pháp thỏa hiệp, nghĩa là kể bệnh nhưng giấu đi những tình tiết “khó nghe”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét