Đến giờ vẫn có người nghĩ “khoa ngoại” bệnh viện (BV) là khoa dành cho… người nước ngoài.
Tương tự, BV phụ sản (phụ khoa, sản khoa, hiếm muộn) chỉ dành cho các bà mẹ “khai hoa nở nhụy”, BV da liễu (bệnh phong, ngoài da, lây qua đường tình dục) chỉ dành cho mấy anh chị mắc bệnh phong tình, khoa nội thần kinh chỉ là nơi lui tới của mấy vị “đầu óc không bình thường”…
Nghe “chẳng chết thằng tây” nào, nhưng không hề vô thưởng vô phạt. Nếu một cô gái mắc bệnh phụ khoa đơn giản nhưng vì lo xuất hiện chỗ chửa đẻ, chẳng may gặp người quen bị hiểu nhầm lén đi “giải quyết”, nên chọn cách kín kẽ là tự mua thuốc về dùng rồi tiền mất tật mang. Một người bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não lại được bác tài taxi đưa thẳng đến BV chấn thương chỉnh hình! Một quý anh sở hữu khối tân sinh chưa biết lành dữ, có người khuyên đi khám, nhưng sợ hãi cổng BV ung bướu dành cho người “tới số”, khiến anh chần chừ, trong khi nếu là khối u ác thì sự chậm trễ luôn trả giá đắt.
Ngoài ra, việc biết bệnh mình cần gõ cửa nào cũng giúp tiết kiệm lắm thời gian, năng lượng và cả tiền tàu xe, chi phí của người bệnh. Tất nhiên mọi BV đều có hệ thống hướng dẫn, sơ đồ, phòng ban phân cấp từ tổng quát đến phân khoa… nhưng cảnh người khám bệnh, tay cầm tờ giấy, ngơ ngác, nghiêng ngó, níu áo người trong BV hỏi đường, vẫn luôn diễn ra. Tốt hơn nếu khoảng thời gian và quãng đường lòng vòng đó được rút ngắn tối đa, góp phần giảm nhẹ khó nhọc, bức bối của người bệnh.
Cách tự cứu hay nhất là mỗi chúng ta tự đào tạo (qua sách, báo, mạng, một số bệnh viện lớn có trang web riêng) một chút kiến thức về nhận dạng, chẳng hạn nội tiết là gì? Thần kinh là chi? Bệnh viện A quản bệnh gì, trung tâm B gồm khoa phòng nào… Các BV có lẽ cũng nên có cách tổ chức chỉ dẫn thiết thực và gần gũi hơn. Nếu không biết gì, bạn vẫn có thể đến ngay khoa khám tổng quát, nhưng sẽ tốt hơn nếu trước khi lên đường khám bệnh, bạn đã có ngay một “hướng xuất hành” khả dĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét