TTC - Từ xưa, ông bà ta đã khuyên “Dạy con từ thuở còn thơ”. Ngay khi còn trong bụng mẹ, bào thai đã phát triển và hoàn thiện tuần tự 5 giác quan. Vì vậy, theo các chuyên gia, dạy trẻ từ trong bụng mẹ là kích thích giác quan.
Khơi mở ngũ quan không chỉ đơn thuần giúp trẻ “học ăn, học nói, học gói, học mở”, mà qua đó kích thích trí não trẻ...
XÚC GIÁC:
Ngay tuần thứ 8 của thai kỳ, bé đã biết “nhột” khi được chạm vào, cảm giác này tiếp tục thăng tiến đến tuần 32, bé không chỉ nhận rõ sự đụng chạm mà còn cảm được nóng, lạnh và đau.
Giúp trẻ thuần thục giác quan này tương đối đơn giản: Bà mẹ âu yếm xoa bụng mình, nếu khéo và kiên nhẫn, rất có thể mẹ và con có cơ may chạm tay nhau qua thành bụng. Với cảm giác nhiệt cũng vậy, bé sẽ dễ chịu với sự ấm áp và ngược lại với nóng bức hoặc lạnh lẽo. Làm mát và giữ ấm cho bé là việc cần phải làm ngay cả khi bé chưa ra đời.
VỊ GIÁC:
Hình thành từ tuần 13, bé có thể nếm được các vị mặn, ngọt, chua, cay qua vị nước ối. Mọi đứa trẻ đều hảo ngọt, không ưa đắng, cay, chua. Việc ăn uống của mẹ có thể giúp trẻ trải nghiệm vị giác thú vị, tất nhiên tránh những thứ nặng, hăng như hành, tỏi, ớt, gừng... làm “nhăn mặt” bé.
KHỨU GIÁC:
Tuần thứ 11 - 15, mũi của bé bắt đầu hoạt động, kênh tiếp nhận chủ yếu vẫn là nước ối. Tương tự vị giác, bé sẽ thích thú hoặc ngược lại khịt mũi bất bình những thứ nặng mùi mà mẹ gửi qua nước ối.
THÍNH GIÁC:
Nghe là giác quan mà bé rất dễ thụ đắc, với đôi tai hình thành và hoàn thiện từ tuần thứ 8 đến 24. Nằm trong tử cung, bé mặc sức lắng nghe mọi âm thanh môi trường từ tiếng “ùng ục” sôi ruột đến nhịp tim “thình thịch” của mẹ. Bé cũng có thể “lắng tai” nghe những âm thanh bên ngoài, từ giọng nói bố mẹ, tiếng nhạc, tiếng còi xe, tiếng la hét khóc nhè của anh chị bé (khả năng phân biệt đến muộn một chút).
Đây là giác quan mà bố mẹ có nhiều cơ hội “đào tạo” cho bé nhất, qua việc trò chuyện, cho bé thưởng thức âm nhạc, hoặc chỉ cần tạo đủ loại tiếng động (lách cách đồ vật va nhau, tiếng nước chảy, tiếng búng tay) giúp bé khám phá.
Phản hồi “nghe thấy” của bé có thể nhận ra qua thành bụng của mẹ. Chẳng hạn nếu thích thú với một giai điệu, âm thanh nào đó, trẻ có thể thích chí tung “cú đá” vào bụng mẹ, hệt kiểu người khoái chí vỗ đùi đánh đét vậy. Có khi từ những lần được bé phản hồi, các bà mẹ còn sớm nhận ra con mình thuộc típ “nhiều chuyện”.
THỊ GIÁC:
Là giác quan trưởng thành muộn nhất. Bé hầu như nhắm mắt đến tuần 26 mới mở mắt dần và theo thời gian có thể “nhìn” vật lờ lờ. Tuy vậy trước đó, bé vẫn có phản ứng với ánh sáng. Nghĩa là nếu nguồn sáng chiếu vào... bụng mẹ quá chói gắt, bé sẽ phản ứng, thậm chí đưa tay che hay quay mặt đi.
Kích thích thị giác, có vẻ khó nhất trong các giác quan, nhưng các bà mẹ vẫn có thể giúp bé bằng cách giữ ánh sáng phòng vừa phải, ra đường nhớ che chắn kỹ bụng.
Có thể thành quả của lớp “học thêm” dành cho các giác quan khó, hoặc không thể mắt thấy tai nghe được, nhưng các bà mẹ vẫn có thể chắc chắn rằng bé luôn thụ đắc đủ những bài học mà mẹ gửi cho, và sau cùng như đã nói, tất cả kết quả vô hình đó sẽ đổ dồn vào bộ não. Để có một đứa trẻ khôn ngoan từ trong bụng mẹ, chắc chắn mọi đấng sinh thành đều sẵn sàng bỏ công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét