Nói đến hôi nách, người ta dễ đổ riệt mọi sự cho mồ hôi. Điều này không sai nhưng hơi vơ đũa cả nắm. Ngoài chức năng điều nhiệt, mồ hôi còn là kênh đào thải một phần chất bài tiết của cơ thể. Tuy là sản phẩm thải ra ngoài nhưng bản thân mồ hôi “thô” không có mùi. Mùi... “ngả vị giấm” mà ta cảm nhận được chính là sản phẩm sau khi đám vi khuẩn thường trú trên da phá xong “bữa cỗ” từ những chất có trong mồ hôi. Tuy vậy, ngay cả khi “tam sao thất bản” thì mùi mồ hôi bình thường vẫn ở mức... “chín bỏ làm mười”. Vấn đề là ngoài số chủng mồ hôi thường (còn gọi là mồ hôi nước chiếm đa số trên mặt da) còn có một “chi hệ” khác gọi là mồ hôi nhày và đây mới chính là những kẻ... gieo tiếng xấu cho mồ hôi. Ngay từ khi lọt lòng chúng ta đã được đặt một “cơ số” tuyến mồ hôi nhày nào đó (tập trung quanh vùng sinh dục, quầng nhũ hoa và hố nách), nhưng “trùm màn” để đó không hoạt động. Mãi đến tuổi dậy thì, dưới tác động của các hormone giới tính, những “khu chế xuất” này mới chính thức đi vào hoạt động. Thành phần của mồ hôi nhày ngoài những chất “gia bảo” còn có thêm một số chất đặc biệt như amoniac, acid béo phân tử nhỏ. Chứng hôi nách xuất phát từ những chất “phụ gia” hơn người này mà ra. Căn bản vẫn là sản phẩm hậu “buffet” của đám vi khuẩn, vấn đề là nguyên liệu nào thì cho ra sản phẩm ấy. Câu hỏi là ai cũng có mồ hôi nhày nhưng vì sao chỉ có một số người không may “hữu xạ tự nhiên hương”?. Câu trả lời nằm ở số và lượng, chẳng hạn, một số người ngay từ đầu đã giàu có hơn người về số lượng tuyến mồ hôi nhày. Những trường hợp khác thì “cơ sở hạ tầng” không có gì đặc biệt nhưng ngặt nỗi chúng lại khá... được việc về công suất hoặc trong cơ cấu thành phẩm có quá nhiều những chất hại chủ trên. Từ “lý lịch trích ngang” này, từ lâu người ta đã đưa ra hàng loạt phương pháp điều trị nhưng thực tế đến nay kết quả hầu như chỉ “phước chủ may thầy” là chính chứ chưa có phương pháp đặc trị thực sự nào. Có nhiều cách để ngăn chặn “nguồn phóng xạ” tự nhiên này, đơn giản nhất là siêng tắm rửa, mặc quần áo thông thoáng giúp mồ hôi bốc hơi, thoa bột khử ẩm, cũng có thể giảm bớt thiệt hại bằng những chất khử mùi (hoặc “thoả hiệp” bằng cách cho ra sản phẩm sau cùng có mùi dễ chịu hơn) hoặc ngăn chặn từ đầu “dây chuyền” tạo mùi bằng chất diệt khuẩn. Ngày nay, người ta có xu hướng tập trung trị liệu từ gốc như “hạ nhiệt” bớt sự “tham công tiếc việc” của tuyến mồ hôi nhày, làm teo hay “bịt miệng” đầu ra của tuyến mồ hôi nhày, mạnh tay hơn là làm “đoản mạch” luồng thần kinh chỉ đạo tuyến (cắt hạch giao cảm) đến các tuyến mồ hôi sở tại hoặc tiêm Botox làm tê liệt tạm thời hoạt động tuyến. Thật ra, ngay với cách “cạn tàu ráo máng” như đoạn hạch thần kinh thì kết quả cũng không hẳn như ý bởi cơ chế bù trừ của tuyến mồ hôi là triệt chỗ này chỗ khác lại tăng công suất lên tương ứng cho đủ “quota” tái xuất (hoạt động của tuyến mồ hôi nhày dù sao cũng vì việc công, còn gây mùi hay không chỉ là thiệt hại không mong muốn). Do vậy người không may mắc chứng hôi nách thường phải cố gắng “hợp đồng” càng nhiều càng tốt mọi trợ giúp có trong tay. Đây là “lỗi cơ chế” nên việc khắc phục đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và phần nào có tính “chấp nhận”. Khi bị hôi nách, bạn nên - Cạo sạch lông nách. - Mặc áo rộng, thoáng. - Tắm rửa hàng ngày bằng các loại xà bông có tính sát khuẩn. Không nên - Ăn các loại thực phẩm như hành, tỏi, sầu riêng, cà-ri. - Dùng nước hoa hoặc dầu thơm bôi vào vùng nách vì mùi thơm của các loại mỹ phẩm kết hợp với mùi hôi sẽ tạo nên một thứ mùi khủng khiếp hơn nhiều. Một số bài thuốc dân gian khắc phục mùi hôi - Phèn chua tán kỹ ra với nước ấm để nguội bôi vào hốc nách hàng ngày. - Nước dấm thanh hoặc thuốc tím pha loãng bôi 2-3 lần /ngày. |
03 tháng 3 2011
Nguồn ''phóng xạ'' không mong đợi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét