24 tháng 2 2011

EQ, trắc nghiệm thành công?


TT - * Ngoài IQ, em thường nghe nói đến EQ. Thưa bác sĩ, người ta chấm điểm EQ bằng cách nào ạ?
(ĐỒNG MINH - TP.HCM)
- Người ta nhận ra công thức thành công tạm đủ phải là IQ (thông minh trí tuệ) + EQ (thông minh xúc cảm), tức chỉ chất xám thôi chưa đủ mà còn phải biết “xài” nó thế nào. Có người còn cho rằng EQ có khi ăn điểm hơn cả IQ, chẳng hạn qua chuyện Lưu Bang nhờ biết dùng Hàn Tín, Tiêu Hà mà được thiên hạ.
Tổng quát thì EQ cho biết cách mà bạn cảm nhận, tiếp nhận, đối phó, xử lý, vượt qua vấn đề của bản thân và môi trường xung quanh. Nghiêng về đánh giá xúc cảm, tính cách nên trắc nghiệm EQ ít quan trọng thang điểm mà chủ yếu là định tính. Chẳng hạn người ta sẽ hỏi bạn có thường “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” khi giận dữ? Thường nghĩ mình... xí trai? Thỉnh thoảng có “nổ” không? Có mê phim Hàn Quốc không?... Đôi khi lại là những chi tiết huề vốn như bạn là con một? Bạn còn “đấm dài” ở tuổi thiếu niên không ? Trong tiệc bạn là người dzô dzô to nhất?...
Thực tế nhiều bạn đã từng trắc nghiệm EQ mà không biết, chẳng hạn qua các mục... bói toán, như “bạn thích màu gì?”, “ý trung nhân của bạn là ai?” trên một số tạp chí. Với các nhà tuyển dụng thì tùy mục đích người ta sẽ quan tâm đến điểm EQ nào của ứng viên, phổ biến là khả năng làm việc nhóm, phóng khoáng hay bảo thủ, đôi khi để sớm nhận ra những nhân vật “sớm đầu tối đánh” bẩm sinh...
Đồng Minh thân mến, thật ra sự thành đạt còn cần rất nhiều “trí thông minh” khác chứ không hẳn chỉ cái đầu và cảm xúc (ví dụ giỏi quản lý tài chính cũng là một kiểu thông minh). Nếu cần gói gọn thì có thể hiểu EQ qua các chữ “nhân nghĩa lễ trí tín”, học chữ đi đôi với học làm người. Có không ít đứa trẻ tập trận cờ lau nhưng không phải tất cả đều là Đinh Bộ Lĩnh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét