Tuy vậy, “tật” muôn thuở của quảng cáo vẫn là nói quá lên, nghĩa là cái phần mềm sửa ảnh phải chịu một phần trách nhiệm trong việc "đánh lừa" người xem. Vì nó mà không ít phụ nữ tin rằng khả năng của mỹ phẩm là vô hạn, ai đó chưa đẹp, đơn giản vì chưa có sản phẩm tốt nhất. Vì nó mà không ít thiếu nữ mang làn da của mình ra “sang tay” hết loại mỹ phẩm này sang loại khác. Vì nó mà không ít cô gái mới lớn suốt ngày mặt ủ mày chau xem mấy nốt mụn con trên mặt là một “thảm họa sinh thái”…
Ai đó lập luận: “Nếu có một sản phẩm làm đẹp toàn năng thật sự thì chẳng có hãng mỹ phẩm nào chịu sản xuất nó, bởi ai cũng đẹp cả, lấy đâu ra “thượng đế” để họ bán hàng”. Nếu dựa vào logic này thì rõ ràng photoshop mắc tội với các bà các cô vì đã làm cái việc “nuôi hy vọng bằng hy vọng… tiếp theo”.
Theo các chuyên gia, trừ những trường hợp đặc biệt, hầu hết làn da thiếu nữ đều đang ở thời điểm toàn bích, không cần thêm bớt gì thêm. Đối xử khinh suất với làn da - một cơ quan sống bình đẳng như mọi cơ quan trên cơ thể - không chỉ xảy ra ở những cô gái trẻ mà cả với các bà, các cô.
Từ đây nảy sinh vấn đề mang tính “thế hệ”: một bà mẹ là tín đồ “trắng da vì bởi phấn dồi” hẳn sẽ khó ăn khó nói với con gái về việc tránh lạm dụng mỹ phẩm sớm; cô chị có một bộ sưu tập sản phẩm làm đẹp đồ sộ trên bàn trang điểm hẳn sẽ khó ngăn cô em gái tiếp bước.
Làm đẹp là một nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật làm đẹp có lợi nhất cho làn da, sức khỏe và túi tiền. Dù với lĩnh vực nào, loại thành quả không qua gian nan mà có thường ẽo ợt hoặc không có thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét