28 tháng 2 2011

Sợ nhất lúc bác sĩ đăm chiêu, lắc đầu

 
PN - Có hai chuyện liên quan nhau:
Một phụ nữ trẻ đưa đứa con nhỏ sốt cao đến bệnh viện. Khám cho bé xong, vị bác sĩ đăm chiêu không nói gì, ngồi ghi toa. Người mẹ trẻ nhìn thấy nét “nghiêm trọng” trên mặt vị thầy thuốc nên mặt mày bắt đầu chuyển xanh. Kiên nhẫn đợi lúc ông ta ghi toa, dặn dò xong, bà mẹ trẻ hồi hộp hỏi: “Bệnh của cháu nặng lắm không bác sĩ?”. Ông bác sĩ hơi ngạc nhiên trước vẻ nghiêm trọng của cô, bật cười bảo: “Viêm hô hấp trên thôi, uống thuốc vài ngày là khỏi!”. Người mẹ trẻ hồ hởi ôm con về với bộ dạng của người “chết đi sống lại”.
Một nữ bác sĩ nhi trẻ giỏi, trị bệnh khá mát tay, nhưng có “tật” mỗi lần ra toa cũng hay đăm chiêu, thậm chí nhíu mày, lẩm nhẩm, khiến không ít ông bố bà mẹ tủi thân hay lên tăng-xông vì tưởng con mình “không xong” rồi. Hóa ra nhăn mặt nhíu mày là lúc cô bác sĩ đang tập trung... tính nhẩm liều lượng thuốc theo sát cân nặng bệnh nhi. Một “tật” cẩn thận hơi chi li nhưng đáng yêu và đầy cái tâm.

Chắc hẳn nhiều người từng nghe hay từng chứng kiến tính “ít nói” của nhiều thầy thuốc. Có nhiều giải thích, nổi cộm là sự quá tải và một phần do tâm tính, thậm chí... giới tính. Nhiều bà mẹ từng đưa con đi khám bệnh tự rút một kinh nghiệm thú vị: hễ gặp bác sĩ nữ thì y như rằng cô cậu lành hẳn đi, bảo há miệng thì há miệng, bảo nói a a thì nói a a, nói theo ngôn ngữ giới blouse trắng là bệnh nhân hợp tác rất tốt. Ngược lại gặp bác sĩ nam, nhất là mấy vị đạo mạo, vừa nhác thấy là bệnh nhi giãy nảy đòi về. Nói thế oan cho nhiều bác sĩ nam, nhưng thực tế bác sĩ nữ thường sẵn lòng mỉm cười (dù bị khuất sau chiếc khẩu trang) ngọt nhạt vài câu giao đãi, dỗ dành, nên dễ nhận được sự “phó thác” của bệnh nhi.


Khổ thân bệnh nhân (hoặc thân nhân) gặp bác sĩ kiệm lời đã lo mà ít nói còn thêm... đăm chiêu, lắc đầu nữa lại càng lo. Người bệnh rất dễ diễn giải nét mặt “lạnh như tiền” của thầy thuốc theo nghĩa “bệnh của mình chắc khó qua nỗi con trăng này, nên ổng mới dàu dàu, hỏi chi cũng lắc đầu không nói như thế!”.

Khổ thân bệnh nhân, nhưng cũng khó trách bác sĩ. Dù sao sức người có hạn, khó mà giữ vững thần kinh thép với lịch khám cả trăm bệnh một ngày ở các bệnh viện lớn, nhưng nếu được, nếu không có thời gian nói, cười thì ít ra đừng “nghiêm trọng hóa” thần sắc không cần thiết làm nặng nề thêm cơn lo lắng của bệnh nhân.

Không phải ai cũng đủ điều kiện chọn bác sĩ theo ý mình, nên với phần lớn bệnh nhân, người khoác áo blouse trắng đang đặt ống nghe lên ngực mình đều là “Hoa Đà”. Không may mua hàng phải cô “mậu dịch viên” quạu quọ, ta đơn giản bỏ sang hiệu khác là xong. Với bệnh viện và thầy thuốc, ta không thể xử sự kiểu “thượng đế” như thế nên mọi sự trông cả vào “bụng” thầy thuốc.

Chỉ mong người ta nhanh tay xây thêm nhiều bệnh viện mới hoặc mở rộng, nâng cấp những cái đang có nhằm trút bớt gánh nặng cho các bác sĩ, giúp họ có nhiều thời gian hơn với bệnh nhân của mình, những người luôn bước vào phòng khám với một “bụng lo” to đùng.