TT - Em có tật ngủ hay nói mớ. Trọ học với một bạn gái nên em sợ lúc nói mớ có gì đó “lộ tẩy”. Thưa bác sĩ, làm sao hết nói mớ và cách nào biết mình nói mớ chuyện gì không?
Ng.Hương (Tiền Giang)
- Nếu có dịp nghe lại ắt người nói mớ sẽ nhận ra màn “độc thoại trong mùng”của mình ít nhiều dính dáng đến những căng thẳng, lo âu hay ham thích ban ngày. Chẳng hạn nếu trong “kịch bản” xuất hiện tên ai đó kèm “tiếng bấc tiếng chì” thì trăm phần trăm đương sự đã có một mối hiềm khích với người trong mơ. Tuy vậy không phải lúc nào người ta cũng ăn tươi nuốt sống trong mơ mà có khi đó là một giấc mơ đẹp. Thường ngày chàng nọ “tương tư” nặng một chiếc SH thì đến đêm có thể nghe anh ta... ba hoa với bạn bè trong “lễ rửa xe” tưởng tượng.
Ng.Hương mến, cách đơn giản biết mình phát biểu gì trong đêm là nhờ người chung phòng nhắc lại hoặc đặt máy ghi âm. Việc hồi cứu này có hai cái lợi, vừa kiểm tra xem có nói gì “chỉ còn nước chui xuống đất” không, vừa là cách hỗ trợ trị bệnh. Đơn giản có biết rõ bực mình chuyện gì ta mới có cơ gỡ rối đúng chuyện. Ví dụ trong mơ cô học trò cứ thống thiết gọi tên một hotboy thì tốt nhất cô ta phải nhanh chóng hiện thực hóa mối tình đơn phương hoặc quên phứt nó đi. Nếu không giữa đêm thanh vắng e “người đời” nghe được một mối “tình sầu” cất tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất mong bạn cho nhận xét