09 tháng 2 2011

nói cho sướng miệng

T - Bạn trai tôi có tật khi chúng tôi ở bên nhau là anh ấy lại... nói bậy. Tôi góp ý thì anh bảo đã cố kiềm chế nhưng không cưỡng lại được. Thưa bác sĩ, có phải anh ấy biện hộ hay là một dạng “biến thái” gì đó không?


Không khó tìm thấy những đấng mày râu thuận dịp trà dư tửu hậu là mang chuyện giường chiếu ra so tài cao thấp. Hầu hết vô hại như bao kiểu “vĩ cuồng” vui là chính của phái mạnh. Tuy vậy, nếu chịu khó lắng nghe có khi người ta nhặt ra vài... bệnh nhân.

Căn cứ nội dung... diễn thuyết tạm chia hai loại lành hoặc dữ. Lành là khi xuyên suốt bài nói là một chữ “nổ”. Đơn giản chúng là diễn đàn giúp các ông khoe chiến tích “sát gái hàng loạt” hay khả năng “dưới một người trên vạn người” trên giường.

Dữ là khi người nói không có ý khoác lác mà dường như để thỏa mãn khoái cảm của chính mình. Không khó nhận ra những trường hợp này bởi đương sự nói say sưa, nói để nghe chứ không phải được nghe và nhất là nội dung thường không đếm xỉa đến nguyên tắc lịch sự, phải phép.

Người bệnh “nói để phê” có thể độc thoại nhưng thường họ chọn người khác phái, có khi bạn gái, làm ngòi nổ (đặc biệt nếu nữ thính giả này tham gia ướm lời). Ngược lại, mấy anh khoe là chính thì ít khi dám văng mạng với người thương, trừ mấy chàng cố tình thăm dò độ khó trong việc tìm kiếm sự đồng thuận tình dục của bạn gái.

Không rõ bạn trai bạn nói gì nên tùy bạn nhận định. Có khi tiêu chí của bạn hơi khe khắt với một anh chàng mau mồm mau miệng chăng? Nếu chỉ là thói quen xấu (bạn có thể tham khảo thêm, lúc tán dóc với bạn bè anh ta có thế không) bạn cần kiên trì góp ý. Ngược lại nếu “khẩu ngôn” anh ấy có bệnh thật thì việc khắc phục hơi gian nan, có khi phải nhờ đến một bác sĩ tâm lý lành nghề mới mong thuyên giảm.
BS ĐỖ MINH TUẤN - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét