25 tháng 1 2010

Lợi tây thiệt ta

-Gần nhà em có thằng nhỏ từ bé xíu đã được “gò” ngoại ngữ ráo riết. Bây giờ mở miệng là nó xổ tiếng Tây chùm! Học tiếng Tây quá sớm có khi nào “lạc” luôn tiếng Việt không ạ?

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Khoảng ba năm đầu đời là thời gian đứa trẻ mở toang trí não tiếp thu ngôn từ mới từ môi trường xung quanh (lời cha, tiếng mẹ đến giọng rao bà bán xôi ngoài ngõ), nghĩa là theo tự nhiên việc học ăn học nói ban đầu nên được dành cho “tiếng nước tôi”. Sau đó khi đã tạm lận lưng một bồ chữ mẹ đẻ căn bản hẳn mới tính đến việc học thêm ngôn ngữ thứ hai.



Người ta cho rằng nếu cần cho trẻ học ngoại ngữ thì nên chọn khoảng từ 3-10 tuổi, vừa hiệu quả vừa tránh được nạn nói tiếng Việt như... Tây balô. Đây là thời điểm mà hai bán cầu não đạt độ chuyên môn hóa cao (trong đó bán cầu trái chuyên quản chuyện chữ nghĩa). Trước đó sự “phân cấp phân nhiệm” giữa chúng chưa rõ ràng nên hay “giậm chân” lẫn nhau, vì vậy trong thời gian này cho trẻ “Tây học” quá sớm là hơi... tính già hóa non bởi rất dễ làm đứa nhỏ tiếp thu theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.



Không ai phủ nhận tầm quan trọng của ngoại ngữ nhưng đến độ xem chúng như một phương tiện “cao hơn người khác một cái đầu” rồi dốc toàn tâm toàn lực cho nó mà bỏ bê lời ăn tiếng nói cha mẹ cho thì buồn quá. Không ít bạn trẻ vô tình trở thành “Việt kiều” trên chính quê hương mình, xổ tiếng Tây như cuồng phong nhưng tiếng mẹ đẻ lại chưa vẹn câu, tròn chữ.

Hay gặp hơn là nạn “một câu hai... quốc tịch”, đang xài tiếng Việt ngon lành chốc chốc lại chêm một từ tiếng Tây (để làm sang hay vì... bí chữ nước Nam?). Chắc chẳng có cô, cậu bé Việt nào chịu “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ” nếu phải nghe lời ru để đời này qua một... bản dịch!








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét