20 tháng 1 2010

VĨNH SAN BẮT DẾ










Hồi nhỏ tôi mê dế lắm ,nhưng không có tiền mua, chủ yếu đi bắt ở mấy cái nắp cống ,cột đèn,vậy mà lý thú. Bắt được con nào phải nói là “cưng như trứng hứng như hoa”, cho ở chuồng đất sét (nặn đất sét thành cái hộp như bao diêm lớn, làm thêm cái nắp trượt bằng giấy cứng đẩy ra đẩy vô, lâu lâu phun nước làm mát đàng hoàng), cho ăn giá sống hay cơm nguội.

Nuôi dế để đá, dĩ nhiên thằng nhóc nào chẳng làm thế , nhưng theo hồi ức của mình tôi nhớ chưa bao giờ dế của tôi thắng được ai hay chưa kịp “thượng đài” đã ngủm củ tỏi ,chắc do không hợp phong thuỷ hay khẩu vị (chỉ cho ăn mỗi món giá, cơm nguội ,lại bữa đực bữa cái, nên đoản thọ là đương nhiên). Chủ yếu nuôi để gáy om nhà cho vui tai, rảnh rỗi thì lôi cây cù - lét ( lấy tăm nhang, bứt vài sợi tóc ,quấn bằng giấy trét cơm nguộilên đầu tăm) chọc mấy cậu chàng phồng cánh gáy re re .Nhiều trự nửa đêm hay sáng sớm hứng chí độc tấu ỏm tỏi (bây giờ mới biết là mấy chàng đang tán gái),nếu còn thức nằm nghe mà khoái lỗ tai.

Mấy chục tuổi rồi, chẳng còn cơ hội chơi dế, với lại giữa đất Sài Thành người còn chen nhau để thở thì chỗ đâu cho dế. Đương ngồi lướt mạng ,tình cờ click vô trang "Kể chuyện các Vua Nguyễn" , đọc tới đoạn kể về chuyện hoàng tử Vĩnh San (vua Duy Tân sau này) bắt dế , ngẫu nhiên bên nhà hàng xóm rộ lên tiếng gáy của một chú dế …đồ chơi của Trung Quốc.

Chuyện về ông vua thiếu niên dám cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân mưu việc lớn tôi thuộc nằm lòng từ hồi tiểu học, kể cả chuyện bắt dế này. Nhớ lại lần ra Huế thăm quê vợ năm ngoái ,mua vé vào tham quan Thành Nội, tình cờ theo một lối đi nhỏ gần Hiển Lâm Các, bất ngờ nghe trong đám cỏ tiếng một chú dế cất lên, lúc ấy tôi cũng chợt nhớ lại chuyện vua Duy Tân, rồi bật cười nghĩ thầm trong bụng biết đâu chú dế hậu sinh này là cháu chắt chít gì đó của ông tổ từng bị hoàng tử Vĩnh San bò lê tìm bắt gần thế kỷ trước ?

Đọc lại đoạn Ngài Toàn quyền Thực dân đắc chí chọn được ông vua trẻ con dễ sai bảo, thuộc lòng rồi vẫn thấy cay cay cho một thời mất nước của dân tộc. Nghĩ gần đến chuyện lớp trẻ bây giờ dốt Sử nhà, ngán học Sử nhà, chê Sử nhà lại thấy cay cay. Không biết bây giờ người ta dạy Sử thế nào, chứ cứ trông chuyện Vĩnh San bắt dế,cỏn con mà non nửa đời người tôi vẫn nhớ như in ,cần chi đại ngôn đao to búa lớn .

Khi không buồn , Duy Tân bắt dế , Duy Tân đòi rửa Nước dơ bằng máu, Duy Tân vờ câu cá bàn mưu cứu Nước . "Những người muôn năm cũ , hồn ở đâu bây giờ ?" Duy Tân !



Một cuộc tuyển chọn Hoàng Đế kỳ lạ
Sau khi bắt giam vua Thành Thái, viên Toàn Quyền Đông Dương, viên Khâm Sứ Levécque và một số viên chức Pháp tháp tùng, rầm rộ kéo vào Đại Nội hợp với đông đủ các quan đại thần của Nam Triều, nhằm mục đích chọn một Hoàng Tử kế vị Thành Thái. Pháp bắt buộc Nam Triều phải đem ra trình diện tất cả Hoàng Tử con của vị vua phế đế, để Pháp " chọn mặt gửi vàng " . Sau khi ăn mặc chỉnh tề, các Hoàng Tử được đưa ra trước " Hội Đồng Thuợng Đỉnh" . Nhưng khi kiểm điểm lại thì thiếu Hoàng tử Vỉnh San lên tám tuổi. Pháp thuộc phải tìm cho ra mới nghe. Thôi thì tất cả thị vệ và cung nữ đang phục dịch trong cung cấm được huy động đi tìm kiếm; một sự náo loạn xảy ra trong cung điện, tưởng chừng như có biến cố trọng đại gì. Đợi đã lâu mà chưa thấy Nam triều đưa Hoàng tử Vỉnh San ra trình diện, viên Toàn Quyền Pháp tỏ vẻ giận dữ, toan đứng dậy bỏ ra về thì một thị vệ dẫn Hoàng Tử đến, mặt mũi lem luốc, áo quần dính đấy mạng nhện. Đình thần bèn giải thích cho viên Toàn Quyền hay rằng: - Vì quá sợ bị chọn làm Hoàng Đế, Hoàng Tử đã trốn chui, trốn nhủi, nên mới ra nông nổi. Để trình diện kịp thời, Hoàng Tử không kịp đi tắm rửa và thay quần áo. Mục đích của Pháp là đưa lên ngôi một ông vua đần độn, không có tinh thần chống Pháp, để sai khiến về sau này; càng nhỏ tuổi càng tốt , để dể bề uốn nắn. Cho nên khi viên Toàn Quyền thấy Hoàng Tử Vỉnh san đang còn nhỏ và quá nhát gan như đình thần đã cho biết, thì tỏ vẻ mãn nguyện lắm. Thực ra, lý do Hoàng Tử vắng mặt lúc này không phải vì sợ, mà ham chui xuống các bộ rầm hạ trong cung điện để bắt dế. Ít hôm sau đó, trong buổi lễ đăng quang, có mặt viên Toàn Quyền và đoàn tùy tùng hôm nọ, Hoàng Tử tỏ ta chững chạc như người lớn, đối đáp với vị Đại Diện Pháp rất lưu loát, tỏ ra thông minh lạ thường, đôi khi còn nói những câu trịch thượng và xóc óc, khiến cho viên Toàn Quyền Pháp chưng hửng. Nhưng việc đã trót lỡ mất rồi, dù có thay đổi cũng không được nữa. Chín năm sau, hẵn viên Toàn Quyền này còn hối tiếc nhiều hơn nữa khi Hoàng Tử ấy, trên ngôi vị Hoàng Đế, đã cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào đêm 2, rạng ngày 3 tháng 5 năm 1916.
(trích Kể chuyện các Vua Nguyễn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét