25 tháng 1 2010

Nhọc nhằn nhưng cứ nói

NHỌC NHẰN NHƯNG CỨ NÓI


-Em bị tật nói lắp, không chỉ khi trả bài cho thầy hay đứng trước con gái mà nói lắp... thường xuyên. Liệu đầu óc em dần dần có bị... “lắp” luôn không?



Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Dù đại ngôn hay chỉ để thốt lên một tiếng “A” ngắn ngủi, tiếng nói của chúng ta đều phải trải qua lắm công phu. Đầu tiên ở bán cầu não trái (với đa số người thuận tay phải và ngược lại) nơi tọa lạc của trung tâm ngôn ngữ nói sẽ chỉ huy trọn gói việc ta sẽ nói gì, nói như thế nào và không kém quan trọng kiểm chứng xem lời vừa nói ra có “tam sao thất bổn” không. Nhận kịch bản xong thì đến phần tạo tác, đó là công việc của hai dây thanh âm nằm trong thanh quản. Bằng một luồng hơi phà từ phổi làm rung hai sợi “tơ đồng” thiên nhiên này tạo một âm thanh dạng thô.


Cũng giống như chiếc đàn guitar cần có thùng đàn, âm thanh nguyên thủy trên tiếp tục được khuếch đại tại lồng ngực, cổ và các xoang rỗng trong sọ. Sau cùng “đầu môi chót lưỡi” tiếng nói chỉ thật sự có nghĩa và có chủ đích nhờ vào các động tác đánh lưỡi, rung vòm miệng và mấp máy môi.

Nghe có vẻ trần ai nhưng thật ra mọi chuyện chỉ diễn ra trong tích tắc, nhanh chậm còn tùy trình độ, vốn ngôn từ, cảm xúc hay sở trường “nói đến kiến phải bò ra” của ai đó. Không khó suy ra mọi trở ngại xuất hiện ở một trong những mắt xích trên đều có thể dẫn đến chứng rối loạn ngôn từ, từ nhẹ đến nặng.


Nói ngọng, nói lắp (cà lăm) là hai chứng tật nhẹ nhất trong các thể rối loạn ngôn từ. Cà lăm thường gặp ở nam giới gấp bốn lần nữ giới, rất ít khi ảnh hưởng thật sự đến trí tuệ và người cà lăm hoàn toàn có thể trở thành bậc uyên bác.


Người ta cho rằng chứng nói lắp xuất phát từ sự chậm chạp của não trong việc kiểm chứng những gì được nghe (chưa kịp nhận ra ngọn ngành từ trước thì từ sau đã ập đến, để hoãn binh nạn nhân phải kéo dài thời gian nói hay phải nhờ vào những từ cứu bồ như “mà... mà... cái... cái...”). Nói lắp còn có thể do sự thiếu đồng bộ trong việc hợp tác giữa thần kinh, vòm miệng, lưỡi, môi... mỗi nơi một phách.


Ở các nước phát triển người ta có hẳn chuyên khoa giải quyết chứng rối loạn ngôn từ bằng nhiều phương pháp, dụng cụ tinh tế, chẳng hạn người bệnh được luyện tập nhờ vào một loại ống nghe đặc biệt giúp họ không nghe thấy lời mình nói mà do máy phát ngôn hộ... Nhưng dù thế nào thì sự cố gắng của chính “nạn nhân” mới thật sự quyết định và hoàn toàn có thể tự thực hiện. Như đã nói, chứng nói lắp không ảnh hưởng đến trí thông minh nên việc khắc phục chỉ là vấn đề thời gian và kiên nhẫn.


Quay lại trường hợp của em, trước tiên em hãy gắng nói suôn sẻ, trơn tru với... bốn bức tường đã, khi nào tạm ổn mới nên thi thố với ai đó. Ai đó ở đây nên là người thân, thầy cô, bạn bè thật thân thiết... Việc “chọn mặt gửi vàng” này có tầm quan trọng rất lớn, người được chọn không chỉ đủ cảm thông, đủ thiện chí mà còn phải... đủ thời gian để không phải chốc chốc vừa xem đồng hồ vừa nghe em nói, đồng thời còn phải biết khích tướng, động viên khéo léo.

Một cái nhếch mép hay tệ hơn là một lời giễu cợt có thể sẽ xổ toẹt mọi cố gắng của em. Em cố hòa vào cuộc sống như bao bạn trẻ khác chứ đừng chọn giải pháp an toàn kiểu “chẳng sợ nói sai nếu... không nói gì cả”. Cố lên em nhé, nếu trì chí sớm muộn cũng sẽ có một ngày em đường hoàng ngồi trước bàn phỏng vấn xin việc hay dự thi “đường lên đỉnh Olympia” cho xem.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét