08 tháng 9 2010

Chạy trời khỏi nắng

Thử xem, những điều bạn biết có giống phần trả lời của bác sĩ Đỗ Minh Tuấn không nhé.
Nóng trong người uống nước ngọt có…hạ hỏa?
- Giải khát thông thường gồm 2 vế: đã khát và bù nước. Chúng ta thường chăm sóc vế thứ nhất mà bỏ qua vế thứ hai. Nước ngọt (bao giờ cũng kèm đá, không ai uống nước ngọt “chay”) chủ yếu giải quyết khâu đã chứ không giải quyết được yếu tố bù nước và muối khoáng. Chưa nói vì là… nước ngọt nên uống vào một lát thì khát lại, phải đi tìm nước “tráng miệng”, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Nóng quá ngày em tắm 6 lần có sao không?
- Không có vấn đề gì về khoản giải nhiệt nhưng thất lợi ở chỗ làm trôi mất chất nhờn có ích trên da. Hành động này giống như bạn lột trần làn da, biến nó thành “mồi ngon” của các mầm bệnh ngoài da, nấm, nhọt, mẩn và ngứa các loại. Tất nhiên tắm chỉ là phương pháp chống nóng “phần ngọn” vì cơ bản là phải uống bù nước đã mất qua mồ hôi, chứ không phải tuôn nước xối xả trên da rồi cái nóng trôi tuột mất tiêu được.
Xài mĩ phẩm mùa nóng có tốt không ạ?
- Thật ra mĩ phẩm “đặc dụng” cho mùa nóng chỉ là kem chống nắng hoặc loại mĩ phẩm có thêm chất chống nắng. Các loại mĩ phẩm trên đều có thể dùng, chỉ cần chú ý tái “trang bị” thường xuyên bởi trời nóng, mồ hôi nhiều, làm trôi “son phấn” rất nhanh. Chung quy, chấtlàm đẹp da mùa nóng hiệu nghiệm nhất là nước. Thiếu nước làn da teo tóp, nhăn nhúm, không có loại mĩ phẩm “thần dược” nào kéo căng lại được.
Mùa nắng em bơi bao lâu thì đủ?
- Câu trả lời gần giống thời lượng tắm. Nhưng chú ý thời gian phơi nắng nếu tắm ở hồ bơi ngoài trời hay sông suối. Nhiều bạn có suy nghĩ thiếu logic rằng hễ ngâm mình dưới nước thì không lo nắng hại. Tuy vậy dù thế nào cũng cần có giới hạn, ngâm mình dưới nước quá lâu, dù trên đầu nóng như đổ lửa, vẫn có thể bị… hạ thân nhiệt. Ngay khi đợt… rùng mình vì lạnh đến, bạn nên lên bờ ngay.
Trời nóng, ra đường em có nên trùm kín mít?
- Đây cũng là một sai lầm khác của nhiều bạn trẻ, chỉ chăm bảo vệ làn dabảo vệ cái đẹp mà nỡ lòng “nung nóng” cả cơ thể. Che chắn nắng là cần thiết, nhưng chỉ cần vừa đủ, còn lại nên chừa chỗ cho không khí len vào làm mát cơ thể.
Máy lạnh là cứu cánh tuyệt vời mùa nóng?
- Bất kể thời tiết nóng hay lạnh thì bầu không khí kín mít trong các phòng máy lạnh từ lâu đã phơi bày những vấn đề rắc rối của nó. Không gì sảng khoái hơn khi trốn nóng trong căn phòng máy lạnh chạy rì rì, nhìn đám đông nhăn nhón khổ sở bên ngoài qua lớp cửa kính. Nhưng… “cuộc vui nào cũng phải tàn”, rồi phải đến lúc bạn bước ra khỏi “thiên đường” và trở lại với cái nóng hầm hập bên ngoài, lúc ấy sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột sẽ cho sức khỏe của bạn biết đá biết vàng, xem ra còn tệ hơn là trui rèn sự chịu đựng trong cái nóng cháy da.
Nóng quá có khi nào “chết người” không bác sĩ ?
- Hoàn toàn có thể tử vong dước sức nóng thiêu đốt. Nạn nhân thường là trẻ nhỏ, người già, mấy ông bà Tây sống ở vùng ôn đới chưa có “miễn dịch” với mặt trời nhiệt đới, có khi là những cô gái trẻ mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, quanh năm quanh quẩn trong phòng. Đây là những đối tượng dễ bị “tai biến” do nắng nóng như say nắng, say nóng vì trung tâm điều hòa thân nhiệt của họ hoặc chưa trưởng thành, hoặc hoạt động không tốt. Tất nhiên đến mức phải “cắt hộ khẩu” hay không thì còn tùy mức độ phơi nóng và sự cấp cứu kịp thời của bác sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét