05 tháng 9 2010

Chỗ đứng của nhút nhát

 Nhiều phụ huynh rất dị ứng với tính nhút nhát của con, với họ đó là tiền đề xấu cho viễn cảnh thua thiệt, thất bại của trẻ.
Không lạ, nhiều ông bố bà mẹ ra sức cải tạo tính nhút nhát của con, có khi bằng phương pháp cực đoan, chẳng hạn buộc con “ăn thua đủ” với đứa bé hàng xóm vừa ức hiếp trẻ.

Nếu dành cho sự nhút nhát cơ hội bào chữa, có lẽ nhiều bậc phụ huynh sẽ nghĩ lại về “thành kiến” của mình.

Trước hết, nhút nhát là phương tiện trời tặng giúp trẻ… sống còn. Sự nhút nhát ngăn cậu bé lóc chóc không trèo lên cành cây cheo leo hái trái rồi lộn cổ xuống sân. Sự nhút nhát cản đứa trẻ không ù chạy ra giữa đường đầy xe cộ để lấy trái banh…

Hoàn toàn ngược lại, sự liều lĩnh giục cậu trai nhảy ùm xuống hồ nước sâu, dù trình độ bơi chỉ ở mức “chuồn chuồn cắn rốn”. Sự gan góc cổ vũ cô bé chọc thẳng cán muỗng vào “cửa mình” vì lời thách thức của bạn hiền…

Chúng ta từng nghe nói đến sự khổ sở của các phụ huynh có con mắc chứng “tăng động - giảm chú ý”, trong đó lo nhất là cô cậu thường xuyên có những hành động “liều mình như chẳng có”. Nhiều bậc cha mẹ âu lo vì tính dạn dĩ thái quá khiến con gái họ có thể dễ dàng rơi vào bẫy của đám “mẹ mìn” hay “yêu râu xanh”.

Đã rõ, sự nhút nhát cũng có chỗ đứng của nó. Xét cho cùng, mọi đứa trẻ "nhân chi sơ" đều nhút nhát, thế này hay thế khác mà thôi. Vô hiệu hóa vị thần hộ mệnh này là quá tay với trẻ. Nhút nhát cũng có năm bảy đường, nếu cần cải tạo tính non gan của cục cưng, có lẽ các bậc phụ huynh nên giữ lại một ít… phòng thân cho trẻ.

Hãy nghe các nhà tâm lý trấn an: hầu hết trẻ nhút nhát sẽ cứng cáp dần theo năm tháng và trải nghiệm, nhanh chậm tùy trẻ. Cậu học trò ngại giơ tay phát biểu trong lớp có thể không phải vì non gan, mà vì cậu mất căn bản, nói lắp, rối loạn thần kinh thực vật hay lớp học thiếu tinh thần... “dân chủ”. Đứa trẻ bị bắt nạt có thể không phải vì nhút nhát mà vì không may gặp phải đứa hung hăng. Trong số những “yên hùng xa lộ” hiện nay chắc không ít vị từng có một tuổi thơ dữ dội theo cách chỉ dạy “ăn thua đủ”.

Lùi lại trước hiểm nguy không phải là hành động hèn nhát, đó là sự khôn ngoan của sống còn. Với một đứa trẻ hồn nhiên vô tư, có lẽ chỉ cần bấy nhiêu. Có quá sớm không khi bằng mọi giá buộc một đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch luôn ưỡn ngực, lên gân? Chúng ta chắc chẳng thích thú gì khi chứng kiến một cô cậu nhóc dạn dĩ kiểu “miệng bằng tay, tay bằng miệng” hay “miệng hùm gan sứa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét