08 tháng 9 2010

"Ngữ pháp" của đôi mắt


TT - Em nghe nói muốn biết "người ta" thích mình thiệt hay không phải nhìn sâu vào mắt đối phương. Em thử rồi nhưng khó biết…kết quả quá.
Huy Thục (TP.HCM)
- Không dễ giải thích vì sao đôi mắt "biết nói" nhưng rõ ràng "kho từ vựng" của đôi mắt hoàn toàn có thể biểu đạt hầu hết cung bậc tình cảm. Thậm chí nhiều trường hợp "ngữ pháp" của đôi mắt còn đa nghĩa hơn đầu môi chót lưỡi nhiều.
Có ý kiến cho rằng đồng tử chính là "nhà hùng biện" của đôi mắt. Đồng tử có thể co giãn để điều tiết ánh sáng; nhưng với một số trạng thái tâm lý đặc biệt, chúng cũng có thể thay đổi khẩu độ tương ứng. Chẳng hạn đồng tử có thể giãn ra khi ta cảm thấy sợ hãi hay hưng phấn, thích thú đặc biệt (mắt trông đen láy hơn bình thường). Như vậy về lý hoàn toàn có thể "soi đáy mắt" đối phương để lượng giá hình bóng ta trong mắt ai đạt thang điểm hài lòng nào. Tất nhiên "tiếng lòng" đôi mắt sẽ dễ hiểu hơn nếu có thêm trợ giúp từ mi, mày hay chút lóng lánh nước hồ thu…
Huy Thục thân mến, không biết "làn thu ba" của người ấy đã cho kết quả em "lọt mắt xanh" chưa, nhưng nếu cần xác tín độ phải lòng đừng nhìn... chằm chằm  coi chừng tác dụng ngược. Chuyện trò với ai mà mắt cụp xuống  hay láo liên dễ bị cho không thật lòng; nhưng nhìn chòng chọc như thôi miên người ta xem ra lại bị xem là thiếu lịch sự em ạ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét