17 tháng 9 2010

Đừng chơi “đoán chữ”” với bác sĩ!


TTC - Điều tiếng “chữ bác sĩ” không phải bây giờ mới có. Trừ những trường hợp cố tình “mã hóa” buộc bệnh nhân phải mua thuốc... “đúng tuyến”, còn lại chữ các bác sĩ xấu thường do vội, do quen tay, hay đơn giản hồi đi học bác sĩ ít được điểm cao môn tập viết...


Không khó đoán hậu quả từ toa thuốc viết tháu. Nhẹ là sau một hồi chơi đoán chữ, người ta cũng hiểu bác sĩ thử thách bệnh nhân và nhà thuốc cái gì. Nặng là khi màn đấu trí kết thúc bằng nạn “Râu ông này cắm cằm bà nọ”. Báo chí từng nêu vài điển hình “viết một đằng hiểu một nẻo”. Chẳng hạn, bác sĩ kê toaAnacin-3 (biệt dược của Paracetamol, hạ sốt, giảm đau) với nét chữ “rồng bay phụng múa” nên bị nhân viên nhà thuốc đọc bớt đi thành Anacin (biệt dược của Aspirin, nguy hiểm với người đau dạ dày, sốt xuất huyết). 

Viết tắt trên toa thuốc cũng là nguyên cớ lắm sự dở khóc dở cười. Mục chẩn đoán bệnh thường được các bác sĩ viết tắt nhất, trong khi đây là cái “tít tựa” mà mọi bệnh nhân đều chú mục nhìn vào đầu tiên để biết danh tính bệnh tật của mình. Đôi vợ chồng trẻ đưa đứa con sốt cao đến bệnh viện khám. Vị bác sĩ miệng hỏi, tay múa ống nghe một hồi, lấy ra tờ giấy xét nghiệm, hí hoáy rồi đưa cho bà mẹ bảo đi thử máu.
Nhìn vào phần y lệnh, bà mẹ trẻ hoảng kinh thấy bác sĩ ghi “CTM” (công thức máu) lại diễn giải thành“chân tay miệng”, căn bệnh nguy hiểm đang thành dịch. Mất mấy giờ mặt ủ mày chau chờ đợi, cầm giấy trả kết quả quay lại cho vị bác sĩ, chị mới vỡ lẽ đó chỉ là xét nghiệm máu thông thường.

Còn nhiều mẻ sợ tương tự khi bệnh nhân hay thân nhân trở thành nạn nhân màn “đố chữ” của bác sĩ, có khi thành “giai thoại”. Chẳng hạn STC (sa tử cung) thành (suy thận cấp) hay (suy thai cấp), VTQ (viêm thanh quản) thành (viêm thực quản), KG (khớp gối) thành (K gan - tức ung thư gan), PM (phần mềm) thành (phúc mạc), Td (theo dõi) thành (tràn dịch)...

Một kiểu nhầm lẫn khác phát sinh từ lời dặn dò của bác sĩ, tuy không bút sa gà chết, vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì bị bệnh nhân thỉnh giáo được chăng hay chớ rồi tự phóng tác. Chẳng hạn, với loại thuốc cần dùng xa bữa ăn để tránh tác động của dịch vị dạ dày, tùy “văn phong” sẽ được bác sĩ dặn : Uống tránh bữa ăn, uống trước bữa ăn, uống lúc bụng đói. Ngặt nỗi không phải ai cũng giỏi văn phạm, nên từng xảy ra tình huống bác sị dặn “uống trước bữa ăn” lại bị người bệnh hiểu là “uống thuốc xong thì mời cầm đũa”.

Dù có nhiều biện pháp can thiệp như dùng “toa điện tử”, “đề nghị bác sĩ chịu khó luyện chữ” hoặc ít ra...“viết toa chậm lại”, nhưng  nạn “chữ bác sĩ ” vẫn khá phổ biến. Vậy nên bệnh nhân cũng cần có chút “công lực” để “phòng thân”: Nếu không đoán ra chữ “rồng bay phụng múa” của bác sĩ, thì tốt nhất nên gắng quay lại hỏi “tác giả” cho ra nhẽ, hoặc ít ra hỏi một đồng nghiệp của ông ta, cùng chuyên môn càng tốt. Đừng phó thác sinh mạng vào tài đoán chữ của mình, hay của người bán thuốc. Không phải ai mặc áoblouse, ngồi sau quầy thuốc đều là dược sĩ, mà có là dược sĩ cũng không chắc đọc nổi những toa thuốc “ai viết người ấy hiểu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét