03 tháng 10 2011

Bệnh ngày càng khôn ra

Vi trùng cũng biết “tiến hóa”, nghĩa là bệnh tật (gọi chung) cũng ngày càng “khôn” ra. Những thông tin dịch bệnh khó lường thời gian qua cho ta cảm nhận rõ về sự năng động, thức thời của đám vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh.

Bằng chứng từ đợt bùng phát bệnh tay chân miệng vừa rồi, các bác sĩ cảnh báo nhiều khả năng virus đang nâng tầm từ động lực đến độ ranh ma. Nhiều trẻ mắc bệnh hơn, nhiều tai biến hơn và nhiều bệnh nhi chỉ mới nổi bóng nước sơ trong miệng đã rơi vào biến chứng nặng…

Không khó tìm thêm những dấu chứng bệnh tật ngày càng lọc lõi. Đỉnh sốt xuất huyết ngẫu hứng không theo mùa. Dịch sốt phát ban (thủy đậu, rubella…) rầm rộ, không tha trẻ đã chích ngừa. Nhiều cô cậu sáng mới húng hắng ho, chiều đã lên cơn khó thở vì viêm phổi bồng chạy không kịp…

Tất nhiên, vi trùng không có chất xám, chúng chỉ khôn lõi nhờ “té nước theo mưa” từ tình hình thời tiết giật gân, từ môi trường ô nhiễm, từ nạn dùng kháng sinh và chất sát trùng tràn lan và từ sự thông thương không biên giới: bên kia đại dương ho một tiếng, hôm sau bờ bên này đã phải rút mù xoa ra xì mũi…

Nhận ra đối thủ ranh ma hơn để thêm cảnh giác và nâng cao sức chiến đấu, để chăm sóc sức khỏe bản thân và con trẻ, đối tượng mà đám siêu vi ma mãnh ưa chọn để xài “luật rừng”.

Hãy cảnh giác, đừng đợi khi trẻ phải gồm đủ các “gạch đầu dòng” triệu chứng theo sách mới nghĩ trẻ mắc bệnh A. Đừng chủ quan cho rằng mùa dịch đã qua hay mình không ở trong vùng dịch rồi tự trấn an trẻ không mắc bệnh B…

Hãy cảnh giác cả tình trạng bệnh chồng bệnh. Sự hòa trộn hai triệu chứng bệnh sẽ làm rối kết quả nhận định và rất nguy hiểm nếu mắc bẫy “giương đông kích tây” mà chẩn đoán lại nghiêng về hướng bệnh nhẹ hơn. Đơn cử, người ta thường khuyến cáo sốt xuất huyết không kèm viêm long hô hấp (ho, sổ mũi) để phân biệt với cảm cúm thông thường, nhưng cắc cớ cùng lúc hoặc kẻ trước người sau một ít cùng dắt tay ghé thăm bệnh nhi thì lỗi nhận định của phụ huynh có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Thật ra, bệnh tật thời nào cũng thế, chính sự chủ quan và kiểu tự trấn an bệnh nhẹ của chúng ta là điểm yếu muôn thuở để chúng xoáy vào. Không hoảng hốt thái quá nhưng trước bất kỳ dấu hiệu sức khỏe của bản thân, của con em, hay nhất các bậc phụ huynh đừng quên đánh động cảnh giác: “Bệnh nay đã khác xưa”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét