03 tháng 10 2011

Hạn chế việc “bốc ngậm” của trẻ

PN – Trước tình hình dịch tay-chân-miệng hoành hành, tật hay bốc vật đưa lên miệng của trẻ trở thành nỗi lo canh cánh của nhiều phụ huynh. Trẻ con hay bốc ngậm là sự thường, tìm được đứa trẻ không có tật này là “hàng hiếm”.
 
57503496 1767 4372 b6d5 8a44f77da8e3 Hạn chế việc “bốc ngậm” của trẻ
Ảnh: Internet
Dù muốn nhưng ta thừa hiểu thật khó để ngăn trẻ thực hiện hành vi nguy cơ này. Nhiều bậc bố mẹ tự trách, phải chi hồi bé huấn luyện trẻ nghiêm khắc hơn thì giờ đã đỡ phần lo. Nhưng thật ra vẫn còn một số chiêu chước.
Trước tiên, kể cả khi trẻ đã thành thói quen “khắc cốt ghi tâm” thì phụ huynh cũng đừng vội buông xuôi việc “giáo dục thường xuyên” để chống tật bốc ngậm. Ai biết được, một lần “suy nghĩ lại”, từ bỏ ý định bốc ngậm vật bẩn cũng đủ giúp trẻ thoát một bàn thua trông thấy với dịch bệnh.
Không thể buộc trẻ không bốc ngậm nhưng bạn có nhiều cơ hội chặn trẻ thực hiện những động tác nguy cơ có tính bắc cầu như ngoáy mũi, dụi mắt, mút tay, cắn móng tay, sờ môi…
Trẻ sẽ dễ kiềm chế bốc ngậm hơn khi bụng trẻ được ních đầy. Nên nhớ, khi đói hoặc thòm thèm, trẻ không chỉ hay bốc thức ăn mà còn có xu hướng bốc cả những vật không phải là thực phẩm có hình thái, màu sắc, mùi tương tự như thực phẩm. Giải pháp có vẻ đơn giản: giữ trẻ no đủ sẽ giúp hạn chế bốc ngậm.
Trẻ bốc vật đưa lên miệng để ngậm, liếm, cắn, nghiến và nhai. Có hai loại cắn: cắn do nhu cầu thám thính, tò mò, đói và cắn do nhu cầu tấn công, yêu sách hay giải tỏa giận dữ, bất lực… Cắn nào cũng là cắn, việc ổn định tâm lý, giải quyết bức xúc cho trẻ có thể là cách hữu hiệu để ngăn trẻ có hành vi nguy cơ.
Tất nhiên, bấy nhiêu không thể ngăn trẻ thôi bốc ngậm, nhưng với tình hình dịch bệnh dữ dội như hiện nay, bớt được cái nào hay cái ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét