19 tháng 8 2010

Cậy con khuyên chồng

- Ông bố nhiều năm keo sơn gắn bó với nicotin, bỗng dứt được mối thâm giao có hại “cái rẹt” nhờ thiên thần nhỏ vừa chào đời. Công to, bởi trước đó ông bố từng “hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều” với mình và cả với vợ về kế hoạch giã từ khói thuốc.

Không khó tìm thấy những gương thành công tương tự mà công đầu thuộc về các bé, thậm chí khi chúng chưa… tượng hình. Ngay khi bắt tay với bà xã xúc tiến việc kiếm cháu đầu lòng, nhiều ông bố kiên quyết bỏ rượu để dành mọi điều tốt nhất cho con ngay từ giai đoạn “tiền khả thi”. 
Thiên thần nhỏ đôi khi trở thành “khai quốc công thần” cứu vãn cả hạnh phúc gia đình. Nhiều cuộc phiêu lưu ngoài vợ chồng dừng lại kịp lúc vì người trong cuộc sợ phải đối mặt với ánh mắt “trách cứ” của con (trong khi trước đó những thứ nặng ngàn cân như lương tâm, chung thủy lại chào thua).
Tất nhiên không phải có trẻ trong nhà, các ông mới lưu tâm đến sức khỏe, hạnh phúc, chức trách. Việc các ông làm có thể xuất phát từ trách nhiệm, tình phụ tử, chẳng phải đợi vợ con bày mưu tính kế. Vấn đề là trong những trường hợp cấp thiết, khó chuyển biến, người mẹ có thể khéo léo cậy con khuyên chồng, việc mà trước đó họ phải nhọc công “múa ba tấc lưỡi” vẫn bất thành. Nhiều quý ông khá chủ quan với sức khỏe của mình, nhưng với sự khỏe mạnh của con lại là chuyện lớn. Thực tế hơn, vì muốn… sống đến ngày nhìn thấy con khôn lớn, thành đạt, nhiều ông bố mới chịu thay đổi lối sống nhiều nguy cơ của mình.
Đứa trẻ sẽ hưởng lợi đầu tiên từ công trạng của nó, sau đó đến bố mẹ và gia đình. Cậu bé mũm mĩm, oe oe khóc trong nôi “khuyên” được bố bỏ thuốc lá, chẳng những giúp nó tránh bị hút thuốc thụ động mà còn giúp gạt tên ông bố khỏi danh sách tiềm năng đột quỵ, ung thư phổi. Mẹ bé và nhiều giềng mối gia đình có thể cũng được phần. 
Tuy vậy, lưu ý, việc cậy con can cha (hoặc con can mẹ) rất cần sự khéo léo và kiểm soát của người thực thi. Rất không nên “dùng” trẻ như một áp lực quá trớn, một “tối hậu thư” hay tệ hơn một… “khổ nhục kế”. Thực tế không khó thấy cảnh bà mẹ cố tình “gí” đứa con ho sặc sụa vào  mũi ông chồng đang phì phèo thuốc lá, cốt làm ông sáng mắt. Phổ biến là cảnh cô vợ trẻ mang con ra trước mặt chồng, đét một trận ra trò, như một kiểu hiệp đồng “ba thứ quân”, vừa buộc chồng chứng kiến cảnh con bị đòn, nghe trẻ la khóc, vừa điếc tai với bài mắng mỏ gần xa, nhằm gửi đến ông một thông điệp sắt đá nào đó.
Trường hợp này, rõ ràng thiên thần nhỏ trở thành nạn nhân của người lớn chứ chẳng nên công trạng gì cả.

1 nhận xét:

Rất mong bạn cho nhận xét