19 tháng 8 2010

Chữa cảm bằng giác hơi



      Thỉnh thoảng, thấy ai đó có cái lưng in chi chít hàng chục dấu tròn, màu đỏ bầm thì biết ngay anh ta vừa giác hơi chữa cảm mạo. Có nhiều kiểu giác hơi như giác nước (dùng ống giác bằng gỗ nhúng vào nước nóng), giác hút (dùng bóng cao su) nhưng thông dụng nhất là giác lửa tức dùng lửa (nhiên liệu thường là cồn 900) để hút hết không khí trong ống giác (làm bằng sứ hay thủy tinh, lòng tròn cỡ hủ yaourt) rồi “đóng mộc” lên nhiều vùng da trên lưng.


    Theo Đông Y, giác hơi có công dụng trục ngoại khí, lưu thông khí huyết, tiêu sưng, giảm đau, tan ứ huyết… thông qua việc tác động đến các kinh lạc, huyệt vị tương ứng. Nói chung, mục tiêu của giác hơi theo y học cổ truyền là tìm cách trục hết hư khí ra ngoài và phục hồi chính khí cho cơ thể nạn nhân (cảm là đã nhiễm phong hàn hay còn gọi là trúng gió).
Y học hiện đại “trông sao nói vậy” thì xem giác hơilà biện pháp dùng áp lực âm (lửa lấy hết oxy trong ống giác) cộng với sức nóng làm các mao mạch dưới da sung huyết, vỡ ra và giải phóng một lượng máu nhỏ ra ngoài, histamin (liên quan mật thiết đến hiện tượng dị ứng) cũng theo đó mà bị trục xuất. Ta đã biết, cảm mạo thường song hành với thời tiết (một kiểu dị ứng), do vậy có thể xem tác dụng của giác hơi gần giống với các chất kháng histamin hay có trong những viên thuốc chữa cảm.

     Thật ra, chứng cảm lạnh có căn cơ là tình trạng nhiễm trùng cấp đường hô hấp trên do các virus thường trú tại vùng họng gây ra. Bình thường, đám virus này chung sống khá “thuận thảo” với chủ nhân nhưng khi thời tiết thay đổi, nhất là tiết trời trở lạnh hoặc sức khỏe giảm sút, lập tức những “kẻ ở nhờ” lại trở mặt làm mình, làm mẩy. Các virus gây cảm mạo thường thấy là nhóm Rhinovirus, Adenovirus và Parainfluenza… Đương nhiên, giác hơi không thể “hạ” được virus nên có thể hiểu sự can thiệp của những chiếc ống giác chỉ nhằm giảm thiểu các triệu chứng của cảm lạnh mà thôi.

    Dù thế nào, tìm được sự khỏe khoắn, sảng khoái chỉ với một phương tiện đơn giản, rẻ tiền như thế thì không việc gì phải từ chối. Tuy nhiên, như đã nói, tác động củagiác hơi giống như một tình trạng “xuất huyết” cưỡng bức, do vậy, những ai có vấn đề về thành mạch, máu khó đông hay huyết áp… nên cẩn thận. Ngoài ra, còn phải chú ý đến nhiễm trùng, mạch máu vỡ nghĩa là cửa vào đã thông với đủ loại vi khuẩn có hại, trong đó có cả vi trùng uốn ván. “Tác dụng phụ” nhiễm trùng hay xảy ra khi người ta “hiệp đồng” giác hơi với cạo gió sử dụng đồng xu, nắp hộp cù là, muỗng nhôm kém vệ sinh thì nhiễm trùng rất dễ xảy ra.

   Nguy hiểm hơn là việc lây nhiễm các bệnh “thời sự” như AIDS, viêm gan B, C… khi người ta “xoay vòng” đồng xu dính máu cho bệnh nhân. Thông thường, mục tiêu của người cạo gió là trổ hết tài nghệ sao cho “ra gió” càng nhiều, càng tốt thậm chí… rướm máu cũng được nên nguy cơ lây nhiễm càng cao. Sau cùng, cũng nên đề phòng bỏng, nhất là những ai có làn da nhạy cảm, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

   Hiện nay, các nhà sản xuất dụng cụ y tế đã nhanh tay tung ra thị trường nhiều kiểu ống giác áp dụng kỹ thuật hiện đại như ống giác chân không, ống giác điện từ… thuận tiện và không sợ bỏng cho người dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét