19 tháng 8 2010

Đàn ông có cần “nhiều chuyện”?


Nhiều “cây tùng cây bách” của gia đình, ngoài những lời huấn thị, hằng ngày rất ít khi chịu chuyện trò kiểu “nhiều chuyện” với vợ con.


Không hẳn vì thiếu thời gian, mệt mỏi, mà dưới mắt các ông đó là việc rỗi hơi, không đáng mặt.
Thiệt hại đầu tiên, không khí gia đình thiếu gắn kết, dù các thành viên vẫn dành cho nhau sự yêu thương. Ông chủ gia đình vẫn là một “quân vương” được kính trọng nhưng cao vòi vọi. Bệnh cần chữa ngay kẻo thành mạn tính. Những chuyện kiểu “xe cán chó” hoàn toàn có tác dụng một muỗng đường cho vào bầu không khí hàn lâm. Để giữ chân các thành viên gia đình ở lại với nhau lâu hơn sau bữa cơm chiều (thay vì ai nấy rút nhanh vào phòng như thường lệ), thì những đề tài vĩ mô như “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” có thể không làm được, nhưng câu chuyện có vẻ “thiếu chất xám” của bà vợ về ông hàng xóm tuổi thất thập còn mắc tật tòm tem, lại thành công.

Không gì bôi trơn vấn đề khó nói nhanh hơn một câu pha trò. Tâm tư ruột gan của vợ con sẽ có nhiều cơ may đến được tai “lãnh đạo” nhờ tìm được đường vào từ một câu chuyện tếu. Những ai là thành viên gia đình có ông chủ ít cười biếng nói, khi cần đề đạt, hẳn đều có kinh nghiệm xương máu “đợi lúc ổng vui hãy nói”.
Không chỉ người phụ thuộc, các ông cũng hưởng lợi từ sự “nhiều chuyện” của mình. Stress, phát tích của lắm vấn đề sức khỏe của phái mạnh, có cơ thuyên giảm nhờ những lần “trên trời dưới biển” với vợ con. Trước lâm nguy, một phương kế chuyển bại thành thắng có nhiều cơ may xuất hiện sau giấc ngủ ngon nhờ liều adrenalin thu được từ trận “tám” bốc trời tối đó…
Gia đình là phòng tuyến cuối cùng của đàn ông. Cái thành trì đó chẳng phát huy gì được nhiều nếu các ông dù nấp sau nó nhưng lại vạch riêng cho mình một… phòng tuyến khác. Khi phiền muộn, nhiều quý ông hay tìm đến khuây khỏa với bạn bè mà bỏ qua tài “xoa bóp tinh thần” mát tay của vợ con.
Có thể lúc đầu, sau thời gian dài quen nếp “quan cách”, các ông rất khó mở lời tếu táo. Chưa thể bắt đầu bằng vai trò khởi xướng thì chí ít khởi sự bằng thiện chí tham gia. Nhưng sau khi trở thành ông chủ gia đình bình dân và… “gần dân” hơn, các ông sẽ ngạc nhiên vì những lợi ích mà nó mang lại, thậm chí phải hối tiếc quãng thời gian “xa rời quần chúng” quá lâu của mình.
Để thay đổi, tại sao không xét lại nguyên tắc, thậm chí tính cách của mình? Nhất là khi lãi ròng thu được là vô giá: thắt chặt không khí gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét