24 tháng 8 2010

Nuốt nước bọt “khống”

TT - Từ nhỏ em có tật hay nuốt nước bọt, nhất là những lúc căng thẳng. Thưa bác sĩ, nuốt nước bọt nhiều có hại bao tử hay gây bệnh gì khác không ? 
                                                            Ph.Nhiên (TP.HCM)
- Trước hết nước bọt có tác dụng làm trơn ẩm niêm mạc miệng giúp ta dễ ăn nói. Phân chất thì có hàng chục chất trong nước bọt (quan trọng là enzym và chất kháng khuẩn...).
Mỗi ngày tuyến nước bọt tiết ra chừng 1,5 lít sản phẩm, một số ít bay hơi và thải loại trực tiếp, đại bộ phận trôi theo dòng tiêu hóa xuống dạ dày. Như vậy nước bọt tinh (không lẫn đàm, nhớt, mầm bệnh) không độc và mỗi ngày chúng ta vẫn nuốt đều đều không “chết thằng tây nào”.
Nói cách khác, nuốt nước bọt chỉ là việc “của thiên trả địa”, con rắn không thể ngộ độc nọc của nó.Theo Đông y, nuốt nước bọt còn là cách phòng bệnh. Hoàng đế Càn Long có một trong nhiều cách được cho giúp ông trường thọ là thường xuyên tái sử dụng nước bọt. Như vậy với tự nhiên, nước bọt là vốn quý, chúng chỉ “bẩn” khi rơi ra ngoài chiếc ống nhổ hoặc không vận theo mầm bệnh.
Ph.Nhiên thân mến, như vậy không lo chuyện nuốt vào mà vấn đề là vì sao em có tật đó. Thông thường ta chỉ nuốt nước bọt “không tải” khi căng thẳng, thèm chua, nói nhiều, rối loạn thần kinh thực vật...
Một số bạn sau một trận viêm họng có thể bị di chứng loạn cảm (luôn cảm thấy vướng víu, cồm cộm ảo ở họng) phải thường xuyên ho, khạc, tằng hắng hay nuốt nước bọt “khống”. Nếu chỉ là động tác trấn an thì so với các đồng nhiệm gãi đầu, vò ve áo thì nuốt nước bọt có vẻ kín đáo hơn, nhưng nếu được cũng nên tập bỏ dần kẻo sau này hở một chút là nuốt ừng ực thì không hay lắm em ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét