19 tháng 8 2010

Ngáy không khó trị


1- Ngáy không nguy hiểm trừ khi đó là dấu hiệu cảnh báo sớm của sự tắc nghẽn hô hấp. Ngáy là tiếng động gây ra do luồng không khí khi hít vào va đập làm rung các kết cấu bên trong vùng họng.

Thông thường, “nội thất” vùng họng có độ căng cứng nhất định nhưng cùng với sự tích tuổi (thường sau 30 tuổi), những chi tiết này bắt đầu giảm sức căng và lỏng lẻo dần, rất dễ rung lên dưới tác động của luồng không khí và tạo ra tiếng ngáy (ngáy được “diễn tấu” tương tự… kèn trompet).

Ngoài ra, mọi thay đổi bất thường của vùng mũi, họng đều có thể gây hiện tượng ngáy và tùy biến động cụ thể mà tiếng ngáy có những “âm điệu” khác nhau. Những bất thường này có thể là xương mũi dày, lệch vách ngăn mũi (thường xuyên nghẹt mũi), lưỡi gà quá dài, amidan quá to, màn vòm họng dài, chân lưỡi dày…


2- Điều trị ngáy là tìm cách loại bỏ càng nhiều càng tốt sự tham gia của “giàn kèn” gây ngáy kể trên. Có nhiều cách, trường hợp nhẹ có thể dùng những biện pháp chữa cháy trước.

Chẳng hạn, giúp nạn nhân “nở mũi” trước khi ngủ bằng cách dán loại băng dán đặc biệt co kéo làm nở rộng buồng mũi ra (các vận động viên thể thao hay xài loại băng này).

Xịt thuốc làm mềm vòm họng cũng là một cách hoặc trước khi đi ngủ lắp những dụng cụ như hàm giả để kéo trễ hàm dưới xuống nhằm mở rộng diện tích cột không khí hít vào (giống như thổi vào một chiếc chai rộng miệng khó kêu hơn là thổi vào chai cổ hẹp).

Bệnh nhân cũng có thể tự giúp mình theo cách này như kê gối cao dưới đầu để “cưỡng chế” hàm dưới há ra lúc ngủ.
Nếu những biện pháp tình thế trên không xuể thì chỉ còn cách phẫu thuật. Can thiệp dao, kéo cho kết quả tốt nhưng bệnh nhân phải chịu đau, bị chuốc thuốc mê và hồi sức lâu. Ngoài ra, nếu tay nghề phẫu thuật viên không tốt còn có thể gây ra những hệ lụy khó lường.

Chẳng hạn, mổ cắt bớt lưỡi gà hay màn vòm họng, nếu xén không đủ thì ngáy vẫn hoàn ngáy, ngược lại “xẻo” quá tay thì hậu quả có thể làm trào ngược thức ăn lên mũi hay thay đổi giọng nói đến mức... bà xã cũng không nhận ra.
3- Ngày nay, các biện pháp ít xâm lấn được ưa chuộng hơn. Laser là lựa chọn đầu tiên, chỉ cần gây tê và bệnh nhân có thể ra về ngay sau đó. Đốt laser thường được áp dụng để lấy bớt lưỡi gà, màn vòm hay xương mũi quá phát.

Tuy vậy, không phải lúc nào kết quả cũng như ý, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần. Sóng viba cũng có thể được sử dụng làm dao mổ trong các ca chữa ngáy.

Người ta sẽ dùng sóng viba tần số thấp để đốt nóng (dưới 100oC) vài chỗ trên phần mô cần “giải tỏa”, những nơi này sau đó sẽ hóa sẹo co rút lại và kéo căng mọi thứ nhằm triệt tiêu khả năng rung lên của chúng.

Cách trên khá dễ chịu cho bệnh nhân, không cần gây mê, tuy nhiên vẫn phải tiến hành vài lần và trong thời gian đầu có thể ngáy còn “ầm ĩ” hơn vì mô đang sưng phù nhưng sau đó sẽ ổn.
4- Hầu hết chứng ngủ ngáy đều có thể chữa khỏi nhưng tùy trường hợp mà đương sự nên quyết định cần đến các biện pháp mạnh tay hay không.

Dù sao, ngáy thường là dấu hiệu ban đầu của một chướng ngại hô hấp nào đó, nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng sẽ càng nặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét