19 tháng 8 2010

“Hòa giải" bệnh nhân teen với bệnh viện


 Trong thư các bạn gửi về , sau khi khai bệnh thì nhiều bạn đều “thòng” câu “đừng bảo em đi bệnh viện nhe!”. Bài viết này muốn góp phần nhỏ xoá bớt hình ảnh “khó ưa” ấy giúp các bạn trẻ nhanh chân đến BV hơn, bởi chỉ có ở đó các bác sĩ (BS) mới thăm khám trực tiếp và có đủ các xét nghiệm chẩn bệnh .

·        Trước hết nỗi lo “bảo mật”, nhất là các bạn gái có những vấn đề khó nói. Đã là thầy thuốc thì không ai nỡ “lợi dụng” chức nghiệp, với lại  ngay từ ghế đại học họ đã quá quen mắt với mọi tật bệnh, kể cả các yếu tố giải phẫu học cơ thể người , nên các bệnh nhân trẻ có thể yên tâm.Tất nhiên nếu ngại BS nam thì vẫn còn BS nữ.

·        Một số thủ tục như khai khi tên , địa chỉ …mục đích để làm bệnh án, theo dõi, hẹn tái khám, liên lạc nếu có biến chứng …chứ không phải người ta xét nét để gửi thư về  “mét” gia đình hay trường lớp (thật ra không ít bệnh nhân vào BV toàn xài tên giả, địa chỉ ma, nên mới có chuyện loa gọi vào khám om sòm mà đương sự vẫn tỉnh bơ vì …quên tên mới).

·        Cái lo thứ hai là “lạy ông tôi ở bụi này”. Nhiều bạn trai ngại đến BV Da Liễu vì sợ người ta nhìn mình dưới con mắt “ăn chơi trác táng .Mấy cô ngại đến BV phụ sản vì sợ người quen thấy nhầm là đi khám…bầu hay “giải quyết hậu quả”. Thật ra vào bệnh viện ai cũng có bệnh nên chẳng ai hơi đâu dòm ngó người khác.

·        Lạ lẫm đường đi nước bước là vật cản không nhỏ khác. Không phải bệnh nhân nào cũng biết ngay triệu chứng của mình thuộc chuyên khoa nào để gõ đúng cửa. Ở hầu hết BV đều có bàn tiếp nhận hoặc phân loại bệnh sơ bộ, người khám chỉ cần đến khai sơ triệu chứng nổi cộm là sẽ được hướng dẫn đi tiếp đến phòng số mấy (bí quá thì gửi đến phòng khám tổng quát rồi tính tiếp). Như vậy các bạn trẻ hoàn toàn toàn có thể quẳng gánh lo “ngơ ngác con nai vàng”, thậm chí bí quá hỏi …bảo vệ cũng xong tất.

·        Sau cùng quay lại với nỗi lo “oan ức” khi đi khám bệnh mà vì nó mà không ít bạn “liều chết ở nhà” không nhìn mặt bác sĩ. Đơn cử BV Da Liễu tuy có trị bệnh “phong tình” của các anh nhưng còn nhiều chuyên khoa “vô tội” khác chuyên về da như nấm, viêm da , mụn nhọn, dị ứng …Tương tự BV phụ sản có hai “đại khoa” là phụ và sản . Phụ là chuyên bệnh phụ nữ (âm đạo, tử cung , nhũ hoa …) còn sản là khu chuyên lâm bồn . Tất nhiên trong những BV này thường có khoa kế hoạch hoá gia đình (đặt vòng,phá thai…) nhưng có phòng ốc , bảng hiệu riêng ai bệnh gì khám nơi đó không lom hiểu nhầm. Cũng thế BV tâm thần không phải  chỉ đón tiếp những ai “khùng khùng điên điên” mà ở đó người ta còn khám và điều trị những bệnh “đầu óc” rất hay gặp ở tuổi học trò như đau dầu, hay quên, mất ngủ, stress, trầm cảm…
·        Một số kiến thức sơ bộ khác có thể có ích . Chẳngg hạn Ngoại Khoa chuyên mổ xẻ, Nội Khoa chỉ uống thuốc. ECG là điện tâm đồ dùng chẩn đoán sớm các vấn đề tim mạch. X Quang và siêu âm là hai xét nghiệm hình ảnh phổ biến trong hầu hết chẩn đoán. Xét nghiệm máu thường là xét nghiệm tiên khởi vì qua chúng có thể phát hiện gần hết bệnh tật thông thường. Xét nghiệm nước tiểu thường liên quan tiết niệu nhưng cũng dùng chẩn bệnh tổng quát. Một số BV lớn hoặc có chuyên khoa tiết niệu, cũng nhận khám bệnh “đàn ông” như xuất tinh sớm, “chú ấy” cong vẹo, làm tinh dịch đồ, vô sinh…
·        Tất nhiên không thể một lúc mà giới thiệu toàn bộ ngóc ngách BV nhưng hy vọng có thể giúp được nhiều bạn trẻ có vấn đề về sức khoẻ thêm mạnh dạn bước vào . Có phát hiện bệnh sớm thì điều trị mới mau khỏi , nấn ná ở nhà vì sợ bác sĩ thì bệnh đâu có chán rồi bỏ đi được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét