02 tháng 2 2010

Cái cổ làm khổ cái thân

CÁI CỔ LÀM KHỔ CÁI THÂN
Đau mỏi gáy, bờ vai là những triệu chứng mà dân văn phòng chốc chốc lại than thở. Có người nói do cảm cúm, có người nói tại tư thế làm việc. Vậy, lý do chính là gì? Nó có dẫn tới căn bệnh nguy hiểm nào không?

Lâu nay ta hay nói đến "bệnh văn phòng", thật ra cần có một "đính chính" nhỏ ở đây là nói đến văn phòng hiện đại với tất cả tiện nghi của nó (văn phòng cách đây vài thập niên "lạc hậu" hơn nhiều nên cũng ít "bệnh văn phòng" hơn). Cụ thể thì văn phòng thời nay dễ khiến các thành viên của nó chuốc bệnh qua màn hình PC, qua sự bất động trên ghế, qua chiếc máy lạnh chạy rì rì...

Trong số những "con bệnh văn phòng" người ta thường nhắc nhiều đến sự mỏi mệt của đôi mắt, sự khó chịu trong bầu không khí "nhà kính", đến trăm thứ khó ở của nạn béo phì,... mà ít nhất để mắt đến một kẻ bị hại phổ biến không kém, đó là cái gáy của chúng ta.

Nếu bạn là dân văn phòng, công việc của bạn buộc phải tri kỷ như hình với bóng với chiếc máy vi tính thì xem như mấy cái đốt sống cổ của bạn đã thấm đòn sau một thời gian bị bạn "đè đầu cưỡi cổ".

Khi PC là tri kỷ

Cột sống chúng ta có cả thảy 32 đốt, riêng các đốt sống cổ chiếm 7 trong số đó. Dễ hiểu do đặc thù công tác quay qua, quay lại, quay lên, quay xuống của cái đầu nên bảy đốt sống cổ là những đốt sống tương đối bận rộn nhất trong cả cột sống. Trong số phương vị phải trái cao thấp đó thì động tác cúi đầu (tức gập cổ) buộc các đốt sống cổ phải thực hiện chức trách tương đối nặng nhọc nhất.

Nếu làm cuộc thống kê nhỏ ta không khó nhận ra chính động tác làm khổ cái cổ ấy lại chiếm thế thượng phong trong công việc của dân văn phòng. Thủ phạm số một khiến giới cạo giấy phải cúi đầu nhiều như vậy dễ hiểu chính là chiếc máy vi tính (cùng với sự a tòng của bàn, ghế, bàn phím, bóng đèn trần phòng làm việc...)
Do vậy nếu bạn là dân văn phòng, công việc của bạn buộc phải tri kỷ như hình với bóng với chiếc máy vi tính, một ngày xấu trời bạn ngã người ra trên ghế, tay xoa nắn sau gáy nhăn mặt vì mỏi đau thì xem như mấy cái đốt sống cổ của bạn đã thấm đòn sau một thời gian bị bạn "đè đầu cưỡi cổ".

Không đi sâu vào chi tiết chuyên môn, nói chung các triệu chứng khó ở của mấy chiếc đốt sống cổ thường có thể từ nhẹ đến nặng, tuần tự hoặc không như mỏi, đau, cứng gáy, nếu kéo dài dần chuyển sang hội chứng mở rộng gọi là hội chứng cổ-vai-tay (đau bắt đầu từ gáy lan xuống vai, tay một hay hai bên, có thể kèm tê mỏi tại chỗ, chóng mặt, xây xẩm...), thoái hóa đốt sống cổ, thậm chí thoát vị đĩa đệm.

Tóm tắt thì khởi đầu từ tư thế cúi gập quá trớn, kéo dài trước tiên gây hư tổn các cơ phận thành viên (cơ, dây chằng), sau đó phạm đến chính đốt sống, dẫn đến chèn ép thần kinh hay tủy sống.

Thực tế việc một nhân viên văn phòng phải... bán thân bất toại vì cái gáy tham công tiếc việc hơi hiếm, bởi ngay từ những dấu hiệu dọn đường như đau mỏi đã quá đủ làm người ta khó chịu, giảm hiệu quả lao động, và bắt đầu cảnh giác. Việc đến gặp một bác sĩ chuyên khoa nhờ can thiệp kịp lúc có thể giúp nhiều khổ chủ phục hồi nhanh chóng. Ngược lại những ai để cho tình hình quá tệ thường là do bận hay lười sử dụng... thẻ bảo hiểm y tế, hoặc cố kiên cường chịu trận, hy vọng tự giải quyết nội bộ là khỏi; ví dụ uống thuốc giảm đau, thoa dầu nóng, dán salonpas (tất nhiên đây cũng là những biện pháp điều trị nhưng cái gốc là tư thế thì chưa được giải quyết).

Dù thế nào, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tốt nhất là làm mọi việc từ sớm để cái gáy không phải thốt lên lời ca thán dù khe khẽ, chứ đã phải nhờ đến bác sĩ thì cũng xem như là muộn. Thật ra các biện pháp phòng tránh cũng không cần đao to búa lớn lắm, ai cũng có thể thực hiện, chỉ có điều đôi khi người ta rành sáu câu nhưng lại quên hay lười thực hiện mà thôi. Vòng vo cũng chỉ là vấn đề điều chỉnh tư thế.

Điều chỉnh tư thế

Như đã nói, kẻ làm khổ cái cổ đầu bảng là màn hình vi tính (chính xác vị trí của nó). Có hai cách phòng tránh "trời chiếu đất" hoặc "đất chiếu trời". Nghĩa là hoặc bạn phải tổ chức lại vị trí kê đặt chiếc PC "nồi cơm" của mình, hoặc chính bạn phải chỉnh lại chính mình qua ghế ngồi, tư thế ngồi cho phù hợp (thực tế không phải ai cũng có toàn quyền sắp xếp góc làm việc của mình).

- Nên đặt màn hình cách mắt chừng 50 - 60cm. Tâm màn hình đặt thấp hơn tầm mắt khoảng 10 - 20cm. Mắt chúng ta thường làm việc thoải mái ở hướng hơi liếc xuống một chút. Phần nhìn được ung dung thì cái cổ cũng không phải ngước (cao quá) hay cúi xuống (thấp quá), hoặc vặn vẹo, nghiêng ngó tìm góc nhìn.

- Độ sáng màn hình, độ sáng đèn trần (ảnh hưởng độ sáng, độ chói màn hình), cỡ chữ, màu sắc màn hình... cũng là những yếu tố cần được lưu ý để tạo sự dễ chịu tối đa cho thị lực.

- Về tư thế ngồi, nên đặt màn hình trực diện với bạn, tránh để lệch sang một bên.

- Chỉnh ghế ngồi sao cho khi ngồi hai cẳng tay song song với nền nhà (việc này có khi phải kết hợp điều chỉnh độ cao thấp của bàn phím). Hai đùi giữ tư thế vuông góc với cẳng chân, hai bàn chân đặt trọn vẹn lên nền nhà (đồng nghĩa chống chỉ định ngồi tréo chân, nhịp gối, rung đùi...).

 Quan trọng không kém là giữ lưng cho thẳng, hai vai cùng bình độ không bên cao bên thấp. Việc này có khi phải thực hiện cùng lúc với việc cải tổ lưng ghế. Nhiều chiếc lưng ghế văn phòng được thiết kế linh hoạt, dễ quyến rũ chủ nhân nghiêng ngả cái lưng khiến đôi mắt và cái cổ vì thế phải ngả nghiêng theo.

Sau cùng, dù tái tổ chức cao thấp, trái phải thế nào thì việc phải làm là luôn dành cho cơ thể những giây phút giải lao quý báu. Đứng dậy đi đâu đó, hoặc ít ra là rời mắt khỏi màn hình để nhìn đi nơi khác. Nên nhớ những ai cố bám lấy bàn làm việc, chủ quan cho rằng mình dư trẻ khỏe, dẻo dai vượt qua mọi trục trặc, thường cũng là những người hay... nghỉ phép đột xuất để đi khám bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét