27 tháng 2 2010

Giải cứu Willy

Free Willy (Giải cứu Willy) . Bộ phim nói về cuộc giải thoát chú cá voi Willy về môi trường sống tự nhiên do chú bé Jesse và các bạn thực hiện. Jesse là cậu bé sống trên đường phố. Cậu bị cảnh sát bắt khi đang phá phách ,cậu được tha nhưng với điều kiện phải dọn dẹp công viên. Từ đó Jesse làm quen và nảy sinh tình bạn với cá voi Willy. Cậu dạy Willy nhiều động tác. Cùng lúc đó, Jesse được nhận vào làm trong công viên.

Người chủ công viên nhận thấy Jesse và Willy có tài năng nên quyết định tổ chức show diễn cá voi. Tuy nhiên, đằng sau show diễn này là âm mưu khử Willy để lấy số tiền bảo hiểm lên tới $1000,000. Tình cờ biết được âm mưu này, Jesse cùng với bố mẹ và các bạn đã tìm cách cứu Willy... Sau vài khó khăn, Jesse cuối cùng cũng đưa được Willy ra vùng biển nơi Willy chỉ cần thực hiện một cú nhảy qua dải đá là có thể thoát ra biển . Cú nhảy tuyệt vời, biểu tượng của bộ phim...


(Ngôi sao của bộ phim là chú cá voi Keiko, đóng vai Willy.Keiko bị bắt ngoài khơi Iceland vào năm 1979, khi còn nhỏ. Phần lớn thời gian cuộc đời nó ở trong các công viên. Keiko được đưa tới Canada, sau đó là Mexico, nơi bộ phim đầu tiên trong loạt phim Free Willy được khởi quay năm 1993. Sau bộ phim một câu chuyện có thật đã xảy ra.Một cuộc vận động quốc tế được tổ chức để giải phóng Keiko khỏi điều kiện nuôi nhốt. Năm 1998, con thú biển nặng 6 tấn này được chuyển từ Mỹ tới Iceland, bắt đầu chương trình tái thích nghi nhằm trả nó về với cuộc sống hoang dã.
 Gần 4 năm sau đó, Keiko được phóng thích ở Iceland, và đến tháng 7/2002, nó đã bơi xa 1.400 km tới định cư trong một vịnh hẹp ở Na Uy. Cuối cùng Keiko đã chết vì bệnh viêm phổi sau 5 năm được trả về với biển...).


Vừa rồi đang ráng lùng mua đĩa phim "Giải cứu Willy" ( Warner Bros sản xuất 1993) cho thằng con trai 3 tuổi.Có ý muốn "gieo" vào lòng cậu nhỏ một tình bạn xúc động giữa người và vật. Có ai đó đã nói "một đứa trẻ không biết yêu động vật, lớn lên sẽ khó trở thành một người nhân bản" . Tuy có hơi thậm xưng nhưng theo tôi nó khá chính xác.
Hồi nhỏ tôi từng chứng kiến mấy anh bạn "vong niên" trong xóm có thú vui hành hạ động vật . Phổ biến là màn bắt côn trùng  vặt giò, vặt cánh . Nhưng bạo lực nhất là màn bắt thằn lằn rồi bơm (bằng bơm tiêm) nước xà -phòng vào bụng con vật và thả ra xem chúng tháo chạy với cái bụng lặt lè đầy nước đến chết .Đến thế chưa thỏa, hễ có dịp thì mấy chàng này còn làm một trò của tàn nhẫn hơn là lựa lúc hai chú chó đực và cái làm "chuyện ấy" ( gọi là "dính lẹo") , thì hè ...rắc muối vào "chỗ ấy" và thỏa thích xem hai con vật tội nghiệp kéo lê nhau vừa chãy vừa kêu la oăng oẳng vì rát buốt. Nhiều năm sau đó, mỗi đứa một số phận, nhưng tôi nghe được một trong những anh chàng từng hành hạ các con vật , đã phải lâm vòng lao lý vì thành tích "ghẹo hà bá phá sơn lâm".Chẳng gì lạ nếu một đứa trẻ có thể thích chí nhìn những con vật đau đớn bằng hành động của mình thì khi đủ lông đủ cánh khó mà mong hắn "nhẹ tay" hơn với đồng loại...


Trở lại chuyện mua phim, kế hoạch của tôi bị chựng lại vì nghe tin một con cá voi sát thủ ở một công viên nước Mỹ đã sát hại huấn luyện viên của nó ngay trước mặt khán giả. Bài học "yêu động vật" muốn gửi gắm thằng con trai của tôi có nguy cơ "phá sản" giữa chừng. Dù thế nào tôi tin đây chỉ là một tai nạn thương tâm, con người -chúa tể -biết yêu những sinh vật bé nhỏ hơn mình chắc chắn sẽ được đáp lại . Cuối cùng tôi vẫn quyết định lùng mua cho được "Giải cứu Willy". Dù sao Willy không phải là Tilikum (tên con cá voi giết thầy dạy vừa kể).


- (Chiều 24-2 -2010 -giờ địa phương), một con cá voi đã giết chết nữ huấn luyện viên Dawn Brancheau, 40 tuổi tại công viên biển Sea World ở Orlando, bang Florida, Mỹ.Theo các nhân chứng tại hiện trường kế lại, con cá voi Tilikum nhảy lên, ngoạm vào người nữ huấn luyện viên này và dìm cô xuống nước. Các nhân viên cứu hộ đã có mặt tại hiện trường để cứu sống nạn nhân nhưng không thành)