22 tháng 2 2010

Nhất tướng công thành vạn cốt khô

(Xuân Kỷ Dậu 1789 ,sau chiến thắng , vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán" (gò tô chôn xác kình ghê - 2 loài cá dữ ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công và cảnh cáo các lực lượng xâm lược).

* Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta ...

(Gò Đống Đa, Hằng Phương, in trong sách giáo khoa Tập đọc lớp 2, quyển 2 trang 47, năm 2000)
...(Trích wikipedia)

Hồi nhỏ, mỗi dịp tết đến, ngoài rước- kiếu Ông Bà, đưa- rước Ông Táo, má tôi luôn bày mâm cúng mùng 5, gọi là "tết Quang Trung". Sau đó, không biết lúc nào má tôi không còn ăn "tết Quang Trung" nữa, nhưng mỗi năm tết đến, mùng 5 ,tôi lại nhớ đến mâm cỗ mừng đại thắng Kỷ Dậu, Tây Sơn.
Tết này , cũng mùng 5, xem trên TV , lễ hội Quang Trung ở nhiều nơi, có nhắc tới Gò Đống Đa, cái tính hay ...nghĩ ngược lại đến. Không biết trong cái nấm mồ chung ấy có bao nhiêu xương cốt của những anh lính Mãn Thanh xấu số? Có ai nghĩ tới việc "khai quật" cái gò chung ấy lên để nếu được làm một "nghĩa cữ" nào đó theo tinh thần "tử-tận" ( hay để giải tỏa "bớt âm khí" chất chồng như có người từng đưa ý kiến ?).

Non sông gấm vóc Việt suốt mấy ngàn năm đánh giặc liên miên, không thiếu những nắm xương tàn vất vưởng của lớp lớp kẻ ngoại xâm. Nhưng theo tôi số phận đạo quân của Tôn Sĩ Nghị là thê thảm nhất.Ở trọ Thăng Long chẳng được mấy hôm, chủ tướng phải vất cả ấn tín mà chạy, quân lính thì giẫm lên nhau gãy cầu phao nghẽn sông mà chết . Chết vì gươm giáo đối phương dù sao còn chút nhuệ khí "da ngựa bọc thây", còn chết vì đạp lên nhau tìm đường sống thì thảm thương quá.
Bao giờ cũng thế , xưa cũng như nay
 "Nhất tướng công thành, Vạn cốt khô!"