10 tháng 2 2011

Giảm đà rơi của trí não


Già thì phải lẫn, sự chấp nhận này có thể làm người có tuổi buông xuôi ý định ngăn hay làm chậm lại đà rơi của trí não. Hiểu rõ vì sao khi có tuổi hoạt động trí não mai một đi có lẽ sẽ phần nào giúp ích được các cụ chống lại bước tiến của thời gian.
.
1. Cùng với sự lão hóa chung, các tế bào não cũng không thoát được kết  cục “có sinh có diệt”, đồng thời đây lại là những tổ chức không thể tái tạo, trời sinh bao nhiêu xài bấy nhiêu nên sự thui chột khả năng của chúng theo thời gian là điều dễ hiểu. Tuổi già còn đi đôi với sự sút giảm chuyển hóa chung, đã “hom hem” lại kém bồi dưỡng nên sự tuột dốc của các tế bào thần kinh càng nhanh. Hậu quả của sự thoái triển các tế bào não hiển thị khá rõ ở những rối loạn phản xạ như chậm chạp, “chất xám” vận hành kém trơn tru, động tác nhầm lẫn, tay chân run rẩy, dễ mất thăng bằng (thoái hóa tế bào vùng tiểu não) và “đinh” nhất là tình trạng sút giảm trí nhớ.
2. Suy giảm trí nhớ ngoài lý do chính liên quan đến việc mất mát dung lượng “phần cứng” như: mất, thoái hóa, teo tế bào não; còn do một nguyên nhân quan trọng khác là giảm lượng máu nuôi não (hệ mạch máu não làm việc kém hoặc do xơ vữa). Đặc thù “trăm công nghìn việc” của não bộ đòi hỏi “khẩu phần” máu nuôi khá lớn, có thể chiếm đến 20% lưu lượng bơm máu của tim (khoảng 750-1000ml/phút trong điều kiện bình thường). Dễ hiểu, nếu cung không đủ cầu  thì chiếc “máy chủ” này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng chập chờn. Ngoài ra, việc giảm tưới máu não còn gây ra những đột biến tính nết đặc trưng khiến người có tuổi “càng khó” như dễ cáu gắt, bắt bẻ, hờn dỗi, giảm khả năng “động não” và thường đi kèm với các triệu chứng  mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt…
3. Tuy rằng mọi sự có vẻ “thành sự tại thiên” nhưng không phải không có cách “mưu sự tại nhân”. Biện pháp cơ bản giúp người già “phanh” lại đà trượt của trí não là nên thường xuyên dùng đến chúng. Một bộ não bị “thất sũng” hay  quá rảnh rỗi thường già sớm hơn tuổi thời gian của nó. Trí nhớ chỉ có thể duy trì trạng thái hoạt động tốt nhất khi được liên tục trưng dụng. Chống lại sự trì trệ của bộ não có thể đơn giản chỉ là đọc sách, báo, chơi cây cảnh, cá kiểng hay nghiên cứu một vấn đề gì đó (tài tử cũng không sao)… Rèn luyện thân thể là biện pháp quan trọng khác để thắng sự thao túng của thời gian. Vận động giúp lưu thông tuần hoàn, chống xơ vữa, gia cường hoạt động tim, thông hô hấp là góp phần tăng thêm “ngân sách” tưới máu và oxy cho não. Vận động còn giúp ăn ngon, ngủ yên, chống stress, nhuận trường, thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể nên quá trình lão hóa nói chung và bộ não nói riêng có nhiều cơ hội “cãi mệnh trời” hơn.
Không còn như thuở trai tráng, vì vậy vận động ở người già chỉ nên thực hiện với tần suất, cường độ phù hợp. Đi bộ, chạy tại chỗ, tập dưỡng sinh, chơi cầu lông, bơi lội… có lẽ là thích hợp nhất, đồng thời, việc tiếp tục hay dừng lại ở mức “liệu cơm gắp mắm” là tùy sức khỏe các  cụ. Nói chung, khi cảm thấy không kham nổi (cụ thể là nhịp tim tăng trên 110 lần/phút) các cụ nên nghỉ ngơi để tránh hậu quả xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét