24 tháng 2 2011

“Khoan hồng” lông mũi


TT - * Không hiểu sao lông mũi của em nhiều và dài rất nhanh, thò cả ra ngoài. Em thường nhổ bằng tay nhưng có người nói làm thế sẽ gây “điếc” mũi! (Lý Quyên - TP.HCM)
- Nhiều bạn trẻ do buông lỏng quản lý để lông mũi mọc lan ra ngoài “bản doanh”, về thẩm mỹ thì đúng là có phần... hơi kỳ. Thế nhưng xét về khoa học thì “mười tám gánh lông” thật ra lại là một dấu chứng nhận khỏe mạnh của hệ hô hấp. Cụ thể: lông mũi có vai trò như một đội “cấm vệ quân” cùng với chất nhầy mũi đón lõng và bắt giữ bụi bặm, vi sinh vật, “xử” nóng tại chỗ một số, số còn lại “dẫn độ” xuống dạ dày “thi hành án” nốt bằng dịch vị! Như vậy có thể nói lông mũi càng dày thì an ninh vùng biên ải của đường thở càng tốt.
Với tầm quan trọng như thế nên chỉ cần vài sợi lông mũi “đào ngũ” thì hiệu quả lực lượng bố phòng bị ảnh hưởng ngay, buộc cơ thể phải lập tức bổ sung quân số. Người ta nhận thấy tốc độ mọc dài ra của lông mũi có thể nhận thấy trong một đêm! Do vậy không lạ khi nhiều bạn trẻ chỉ cần sáng sớm quên chăm sóc “wall paper” (phông nền) kỹ thì rất dễ bị vài nhân viên bảo vệ thò ra ngoài mũi làm mất mặt bầu cua.
Lý Quyên thân mến, đúng là người ta khuyên tránh nhổ lông mũi nhưng không phải vì sợ điếc mũi (vùng thần kinh khứu giác nằm tuốt trên vòm mũi nên không lo nước sông phạm nước giếng). Để lập lại “kỷ cương” đám lông mũi lớn như thổi của mình, em nên dùng kéo nhỏ cắt tỉa là hay nhất và chỉ đụng đến những sợi nhô ra ngoài vi phạm thẩm mỹ thôi. Xử lý kiểu bứng tận gốc vừa đau vừa kém lịch sự, chưa nói “bứt dây động rừng” tổn hại niêm mạc mũi. Cái lợi nữa của việc cắt tỉa là luôn “mở lượng khoan hồng” để lại một đoạn gốc lông, tránh phản ứng sinh tồn mãnh liệt lớp sau mọc nhanh hơn, dài hơn lớp trước thì tình hình xem ra còn tệ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất mong bạn cho nhận xét